Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

Thơ và truyện ngắn , nhà văn Trầm Nguyên Ý Anh.

     * Tôi được đọc nhiều tác phẩm của nhà văn Trầm Nguyên Ý Anh, một tác giả nữ đồng bằng sông Cửu Long cùng thời với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Sáng tác của nhà văn TNYA dung dị, gần gũi, phản ảnh trung thực tâm tư tình cảm người Nam bộ. 

   Xin trân trọng giới thiệu thơ và truyện ngắn của nhà văn Trầm Nguyên Ý Anh. Thân mời quí thân hữu nhín chút thời gian vào đọc. 

 * Nhà thơ Nguyễn Đức Phú Thọ, Phân hội trưởng phân hội Văn học, Hội VH-NT tỉnh An Giang, từ tình cảm yêu quí văn thơ nhà vănTrầm Nguyên Ý Anh đã lập trang Facebook chuyên đăng những tác phẩm của nữ sĩ. Một nghĩa cử tôi thật khâm phục.Thân mời quí bạn vào xem.

 https://www.facebook.com/vanthotramnguyenyanh/

* Trang   đăng truyện ngắn " Tiếng sáo bay xa" Giải Nhất - Cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2002. Xin mời xem.

       ** Mời xem bài thơ:

MẸ TÔI
Trầm Nguyên Ý Anh
Nhớ thuở vừa đi học
Mẹ dắt tay đến trường
Áo quần thơm vải mới
Mùi long não còn vương.
Gánh quà trên vai mẹ
Đong đưa theo bước chân
Mẹ bán – con ngồi học
Đường xa bỗng hóa gần.
Đêm con làm bài tập
Mẹ ngồi may kề bên
Một ngọn đèn hai bóng
Con với mẹ gần hơn.
Thời gian thắm thoát đưa
Con đậu vào đại học
Mẹ dưới mái trường xưa
Vẫn gánh quà đơn độc.
Con giờ là cô giáo
Mẹ đi vào cõi mơ
Nén nhang buồn tưởng niệm
Dâng mẹ một bài thơ.
T.N.Y.A

Minh họa: Internet 

Có thể là hình ảnh về trẻ em và bầu trời
Bạn, Nguyễn Đức Phú Thọ và 2 người khác
1 bình luận
Yêu thích
Yêu thích
Bình luận
Chia sẻ


** Mời xem truyện ngắn:           

               MÓN QUÀ CHO CÔ GIÁO CŨ

Trầm Nguyên Ý Anh
Tôi đi đón Anh Thư ở cổng trường rồi tạt qua hàng phá lấu mua một ít. Mẹ cháu trực ở bệnh viện, bữa cơm chỉ hai cha con nên đơn giản. Căn nhà thiếu tiếng nói của mẹ, Anh Thư cũng bớt líu lo hơn. Cơm nước xong tôi mở ti vi xem thời sự. Anh Thư rót cho tôi ly nước “Ba nè! Sắp đến Tết Nhà giáo rồi!”. Tôi cười với cháu “Mua quà cho cô chủ nhiệm chứ gì?”. Anh Thư lắc đầu “Không phải!”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên “Sao lại không phải?”. “Cô con không nhận quà. Cô nói mỗi đứa phải viết một câu chuyện liên quan đến tình thầy trò rồi nộp cho cô. Đứa nào viết hay nhất, còn được thưởng”. Nếu tôi nhớ không lầm thì cô chủ nhiệm của Anh Thư là một cô giáo rất trẻ. Sao cô lại nghĩ ra cách nhận quà lạ lùng nầy. Anh Thư nhìn tôi, giải thích “Cô nói trong lớp có đứa giàu, đứa nghèo. Nếu tặng thì tội nghiệp các bạn nghèo lắm! Nếu nghĩ đến cô thì phải viết được câu chuyện hay”.
Tôi xuống võng nằm, cố vắt óc nghĩ ra một câu chuyện. Tôi bỗng nhớ lại thời đi học của mình. Tôi bàng hoàng như vừa tìm lại được chính mình trong bộn bề cuộc sống mà lâu rồi tôi đã bỏ quên. Tôi gọi Anh Thư và bắt đầu kể.
“Lúc vừa hòa bình, ba được mười lăm tuổi, nhưng mới học lớp bốn. Bà nội con mất lúc ba mười tuổi, cô ba con bảy tuổi còn chú út mới biết bò. Đó là những năm tháng khó khăn nhất trong đời ba. Ba là con lớn nên phải phụ giúp ông nội. Tối nào, ba cũng bơi xuồng cho ông nội vớt tôm đến gần sáng. Sáng vô lớp ba chỉ ngủ gà ngủ gật. Mấy ngày đầu, cô giáo tỏ vẻ không hài lòng. Nhưng sau khi rõ sự việc, cô xúc động lắm và nghĩ cách giúp ba”.
Anh Thư nghe tôi kể, có vẻ xúc động. Nó chưa hề biết quãng đời cực khổ của ba. Tôi uống thêm ngụm trà rồi kể tiếp “Vậy là bắt đầu từ hôm sau, vào mỗi trưa, cô đã kiên trì ngồi dạy lại bài vở buổi sáng cho ba. Buổi sáng, khi vớt tôm về, ba được ngủ. Ba cố gắng học vì tấm lòng trời biển của cô. Ông nội con trả ơn cô bằng vài ba con cá con tôm ít ỏi để cải thiện bữa ăn gia đình trong giai đoạn khó khăn đó. Mà đâu chỉ việc dạy học. Cô còn cắt móng tay cho cả lớp sau mỗi tuần học. Cô bao tập và làm giấy nhãn dán vô từng cuốn tập. Các bạn nghèo còn được cô cho viết, tập. Cuối năm đó, ba được xếp hạng ba. Ông nội vui vẻ tự hào lắm! Nhưng người vui nhất vẫn là cô”. Anh Thư mím môi nghĩ ngợi “Vậy bây giờ, cô giáo của ba còn dạy không?”. Câu hỏi của Anh Thư như một lời khiển trách đối với tôi. Thật tình, sau khi cô đổi về đất liền, tôi đã không gặp lại cô nữa. Tôi khó nhọc để học hết bậc trung học rồi tìm việc làm, rồi lập gia đình. Những bộn bề của đời sống đã xóa nhòa đi những năm tháng cũ. Quê hương tôi giờ đã đổi thay. Trường tiểu học, trung học mọc lên đẹp đẽ khang trang như trong tranh vẽ. Mấy phòng học sau đình chỉ còn trong ký ức của những người dân xóm chài cũ mà thôi. Tôi thở dài và nói như nói với chính mình: “Mấy chục năm nay rồi, ba cũng không biết cô đang ở đâu nữa, ba thật có lỗi!”. Anh Thư nói tiếp lời tôi “Ba thiệt tốt số. Nếu không có cô giáo ngày ấy hết lòng với ba như vậy, chắc ba phải nghỉ học từ những ngày khó khăn đó rồi!”. Lời nhận xét của Anh Thư như một ngọn roi quất vào lương tâm của tôi. Tôi ngắt lời nó: “Thôi! Con cứ viết những gì ba nói đi! Còn chuyện hỏi thăm tin tức cô, ba sẽ làm”.
Giữ lời hứa với Anh Thư, tôi đã tìm đến những chỗ quen biết để hỏi thăm tin tức cô giáo của tôi. Được biết cô đã nghỉ mất sức sau một lần bịnh nặng. Tôi chọn ngày 20-11 tìm thăm cô. Hai cha con tôi vòng vèo qua mấy con đường ngoại ô rồi dừng lại trước căn nhà lá rộng với một khoảng sân đầy hoa phía trước. Bây giờ, vào khoảng bốn giờ chiều. Khi hai cha con bước vào nhà thì trông thấy ngay một lớp học. Có chừng hai mươi đứa học trò đang cặm cụi chép bài. Một phụ nữ luống tuổi, tóc đã bạc nhiều, mắt đeo kính bước ra chào. Tôi ngỡ ngàng trong giây lát rồi hỏi “Dạ! Có phải đây là nhà của cô Quỳnh Như không ạ!”. “Bình đó phải không?”. Người đàn bà hỏi lại. Tôi giật thót người. Cô đây mà! Sau bao nhiêu năm, cô vẫn còn nhận ra tôi. Còn tôi… “Dạ! Có phải cô không? Trời ơi cô đã già đi nhiều quá! Mà làm sao cô lại nhận ra em nhanh như vậy?”. Cô mỉm cười. Nụ cười vẫn hiền từ và bao dung như ngày đứng trên bục giảng. “Em ngồi đi. Cả Anh Thư nữa!”. Tôi lại ngạc nhiên “Sao cô biết cháu tên Anh Thư ạ! Cô mỉm cười cho mấy đứa học trò về, rồi khẽ khàng “Quỳnh Anh, con gái của cô là giáo viên chủ nhiệm của Anh Thư đó! Khi Quỳnh Anh đưa câu chuyện của Anh Thư cho cô đọc, cô biết ngay cháu là con của em. Câu chuyện thật hay và xúc động. Còn em, chẳng phải em thường xuất hiện trên tivi trong những bản tin thời sự sao?”.
Tôi chợt hiểu ra tất cả và ngước nhìn cô. Thì ra, cô chưa bao giờ quên tôi. Đứa học trò nghèo thường ngủ gà ngủ gật trong lớp của mấy chục năm về trước. Đứa học trò sau bao nhiêu cố gắng đã ngồi vào ghế Chánh tòa. Đã phân xử biết bao vụ kiện. Đã từng cất cao giọng nói lời chính nghĩa với biết bao người. Vậy mà đối với cô giáo dạy mình, vị ân nhân đã tiếp sức cho mình, người đã bỏ công ngồi dạy từng chữ từng lời cho mình được tiếp tục việc học, thì mãi đến mấy chục năm trôi qua, đến một lời cám ơn cũng chưa có. Nếu không vì con tôi, không vì tấm lòng cao quý của cô giáo Quỳnh Anh đã nghĩ ra cách nhận quà như vậy thì đến bây giờ, tôi vẫn còn là đứa học trò bất nghĩa.
Tôi ngồi im lặng nhìn cô, cô giáo tôi vẫn uy nghiêm mà vô cùng gần gũi. Mái tóc bạc và cặp kính trắng đã tôn vẻ đẹp của cô như một người mẹ. Trong màu nắng nhạt của buổi chiều tàn, cô ngồi đó vẫn nụ cười hiền hậu, không một lời trách mắng cho tôi. Tôi nhìn gói quà mà vô cùng xấu hỗ. Trước mặt cô, một người thầy - một người mẹ, tôi chợt thấy mình quá nhỏ bé, quá vô tâm, chỉ có một nhà giáo như cô, một tấm lòng quá nhân hậu và một lương tâm trong sáng mới giáo dục được một người con như cô giáo Quỳnh Anh. Cuối cùng, cô cất tiếng “Cô bịnh nặng cách đây hai năm và được giải quyết nghỉ hưu. Ở nhà công việc cũng chẳng có gì nên cô dạy giùm cho mấy đứa trẻ nghèo trong xóm. Tụi nó không có điều kiện đến trường”.
Tôi nhìn quanh quan sát. Căn nhà lá với những đồ đạc đơn sơ mà sao lại chứa đựng những tâm hồn cao đẹp như vậy. Tôi bồi hồi đến không thể tự chủ được. Đến lúc nầy, lúc điều kiện sức khỏe không cho phép, cô vẫn còn dạy học, cô vẫn là người thầy kính yêu của những đứa học trò nghèo, bất hạnh. Tôi nhìn cô và nhớ lại hơn hai mươi năm trước: căn phòng trống trước, trống sau. Nền trường bằng đất chỗ lồi chỗ lõm có một cô giáo, một đứa học trò. Màu nắng trên sông… tôi thấy tôi lại là một thằng Bình vừa nghèo vừa học kém. Và chỉ nhờ cô, nhờ tấm lòng yêu nghề và một trái tim nhân ái đã tiếp sức và tạo điều kiện cho tôi. Bây giờ tôi ngồi đây, không phải trong chiếc ghế uy nghi của một chánh án Tòa để xử phân người khác mà trong chiếc ghế bị can để nghe chính lương tâm mình khiển trách.
Thấy tôi ngồi im lặng và dường như đã đọc được suy nghĩ của tôi, cô nói tiếp “Thật ra, trong suốt cuộc đời dạy học của cô, em là đứa học trò đặc biệt nhất và cũng nhờ vậy mà cô cũng chưa quên em. Từ lúc em bước chân vào ngành Tư pháp, cô cũng nghe ngóng được dư luận bên ngoài và cô rất vui lòng vì em là một người xứng đáng.
Tôi không dám nhìn cô, chỉ ngượng ngùng nhìn ra sân. Gió chiều hây hây thổi, mấy chiếc lá vàng bay… Tôi bỗng nghe mắt cay cay.
Trầm Nguyên Ý Anh
Nguồn: từ https://www.facebook.com/vanthotramnguyenyanh/
do nhà thơ Nguyễn Đức Phú Thọ chủ biên. Tôi đã xin phép và được anh chấp thuận./.
Phương Danh
Riêng bài đăng này1/2019)

10 nhận xét:

  1. Cảm ơn anh Phương Danh đã truyền tải cho đọc câu chuyện thấm đẫm chất nhân văn,chan chứa tình nghĩa Thầy-trò,và nhất là làm hồi sinh niềm tin về bản tính thiện lương của con người tình cảnh đạo đức xã hội xuống cấp như ngày nay.
    Chúc Anh ngày mới an lành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. - Tôi rất vui khi được anh Lý Lãng chia sẻ cảm nhận về truyện ngắn này. Tôi đăng lên mà sợ không có người kiên nhẫn đọc vì truyện dài quá.
      - Hình tượng cô giáo già và người con cô giáo trẻ thật đẹp. Tận rụy với nghề, thương yêu học của mình.
      Cám ơn anh nhiều lắm.

      Xóa
  2. Truỵện ngắn hay, ý nghĩa!

    https://i.pinimg.com/originals/4b/74/e5/4b74e546a539121dfeeeebf5e65e279d.gif

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi anh tặng ảnh hoa đang lay động, đẹp làm sao. Cám ơn anh đã đọc truyện ngắn này.
      Chúc anh Đỗ Văn ngày tươi đẹp.

      Xóa
  3. Càng về già hình bóng Mẹ thời ấu thơ dắt con đến trường càng khắc đậm.
    Thương thật nhiều.Nhớ thật nhiều.Xót xa cũng nhiều.
    Chúc anh PD an vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng tôi cũng vậy anh Lý Lãng ạ, tôi không lo cho mẹ tôi được gì. Hình ảnh người mẹ tảo tần của nhà văn TNYA gợi cho tôi nhớ về mẹ tôi với đôi quang gánh và tôi muốn khóc, Bà cũng đã ra đi.
      Cám ơn anh đã vào thăm và chia sẻ.

      Xóa
  4. Bài thơ thật dung dị và cảm động, khiến cho LL nhớ về tuổi thơ rất nhiều. Trong giấc mơ của LL là hình ảnh mẹ chong đèn bên giáo án, là gánh hàng cùng mẹ đi qua bao thăng trầm nắng mưa.

    Trả lờiXóa
  5. Thật vui khi bạn Linh Lan chia sẻ cảm xúc bài thơ mẹ tôi. Mẹ của bạn Linh Lan là Cô giáo, hay quá.

    Trả lờiXóa
  6. https://media.tenor.com/images/208b15e20961fd0cce0fbb8f9eabc1a1/tenor.gif

    Anh PD vẫn ổn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Đỗ Văn, tôi vẫn ổn. Có điều tôi không còn hứng thú lên mạng xã hội, không biết viết gì nữa nên tạm nghỉ một thời gian. Chúc anh và quí thân hữu an vui.

      Xóa