Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Nỗ lực giữ cho mình giữ cho người.


NỖ LỰC GIỮ CHO MÌNH GIỮ CHO NGƯỜI.

        Việt Nam và các nước trên thế giới đang quyết liệt chống lại dịch bệnh chết người do virus Sars-CoV-2 gây nên. Tốc độ lây nhiễm thật khủng khiếp theo cấp số nhân. Một người nhiễm bệnh nếu vẫn tự do đi lại có thể lây cho vài trăm người rồi người mới nhễm là nguồn lây tiếp tục nhân lên. Dẫn đến bùng phát dịch trong cộng đồng, thật nguy hiểm.
       Mỗi người chúng ta cần áp dụng triệt để những biện pháp phòng bệnh do Bộ y tế hướng dẫn để giảm nguy cơ nhiễm bệnh cho bản thân, giảm nguy cơ lây bệnh cho người thân và cộng đồng. Góp phần giảm gánh nặng cho ngành y tế đang phải gồng mình chống dịch. Nếu hệ thống y tế  bị quá tải, rất nhiều người lâm nguy. Trân trọng bảo vệ đội ngũ y Bác sĩ, điều dưỡng,… những người chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, phải lo cứu chữa bệnh nhân đến kiệt sức, bị lây nhiễm hay hy sinh.
      Tôi hiểu bản thân nếu nhiễm virus Corona tôi sẽ chết vì lớn tuổi, mắc nhiều bệnh mãn tính, trong đó có bệnh phổi. Ý thức nguy cơ, ngay từ đầu tôi thường xuyên nghe tin tức, cập nhật thông tin chống dịch qua radio, báo online,.. Thực hiện nghiêm túc những biện pháp phòng dịch do Bộ y tế hướng dẫn:
 1/  Mang khẩu trang kín khi ra đường, khi đi khám bệnh. Đây là thói quen từ lâu của tôi. Nay phải  mang cho đúng cách để thật sự phòng ngừa virus.
 2/  Rửa tay thường xuyên bằng Xà phòng hay nước sát khuẩn.
 3/ Hạn chế đi lại, giao tiếp. Chủ yếu tôi ở nhà không dám đi đâu. Khi cần tôi sẽ tự cách ly trong phòng riêng.
  4/ Giữ cơ thể khỏe mạnh nâng cao sức đề kháng:
       - Tăng cường dinh dưỡng, uống thêm sữa, nước chanh mỗi ngày.
       - Vận động thể dục: Tôi vẫn thường tập những bài thể duc dưỡng sinh, tập dịch cân kinh mỗi sáng. Tích cực hít thở sâu với nhiều tư thế.
-  5/ Giữ gìn nhà ở thông thoáng sạch sẽ.
    Ngoài ra mỗi ngày tôi vẫn ngồi tĩnh tâm khoảng  ba mươi phút giúp trí não thư giản, giữ bình an tâm hồn. Áp dụng những biện pháp dân gian: xông hơi mỗi tuần hai lần, hơi nóng có thể tiêu diệt được một phần virus. Uống thêm rượu tỏi, dấm tỏi. Đây chỉ là cách hổ trợ chủ quan của tôi.
    Cẩn thận thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch với hy vọng bảo toàn mạng sống. Tôi đã đăng ký  hiến mô tạng cứu người khi chết lâm sàng và hiến thân xác này cho trường Đại học Y Dược để sinh viên thực tập. Nếu xác thân này nhiễm đầy virus tâm nguyện của tôi sẽ không thực hiện được.
      Dù cố gắng gìn giữ nhưng nguy cơ nhiẽm bệnh vẫn chực chờ đâu đó. tôi hiểu mọi sự chỉ mang  tính tương đối. Hãy “Tận nhân lực tri thiên mệnh”./.
Phương Danh



Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Dịch bệnh Covid-19, diễn biến khôn lường.


   Dịch bệnh Covid-19, diễn biến khôn lường.
   
    Cả thế giới kinh hoàng vì một sát thủ vô hình, virus Sars-CoV-2, với đạo quân hằng tỉ tỉ không ngừng sinh sôi tấn công. Dịch bệnh viêm hô hấp cấp (Covid-19) khởi đầu từ thành phố Vũ Hán, Trung  Quốc đầu tháng 01 – 2020,  chỉ hai tháng  sau tấn công 199 quốc gia và vùng lãnh thổ, số người nhiểm bệnh Covid-19: 532.224 người,  tử vong đã vượt 24.087 người, số người phục hồi 124.326. (Mời xem chi tiết từ: https://tuoitre.vn/dich-covid-19-sang-27-3-my-them-gan-15-000-ca-nhiem-vuot-trung-quoc-cao-nhat-the-gioi-20200326234728418.htm?fbclid=IwAR1a05Oo9yUPTY40hhCCUzDBD1ESeYRGt2j0.). Điều không ai ngờ các nước tiên tiến thuộc nhóm G7, ngăn cách Trung Quốc bởi các đại dương, vẫn bùng nổ dịch bệnh với số người nhiễm bệnh và tử vong cao như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp,… Dịch bệnh chưa dừng lại, số ca nhiễm, số người chết ngày một tăng.


    Sư xuất hiện dịch bệnh, lây lan nhanh chóng, ngoài dự liệu của mỗi quốc gia. Chưa có thuốc đặc trị, chưa tạo được Vaccine chủng ngừa. Chính phủ các nước cùng các nhà khoa học, dịch tể học, quí y Bác sĩ,... đang nổ lực không ngừng tìm cách khống chế Virus, chữa trị bệnh nhân, nhưng chưa đạt kết  quả.

    Điều quan ngại nhất, những người nhiễm virus Sars- CoV-2 dễ bị tử vong là người già, người có bệnh lý nền mắc các bệnh mãn tính, người bệnh phổi,  người có thể trạng yếu cơ thể mất sức đề kháng. Dịch Covid-19 bùng phát hệ thống y tế quá tải trang thiết bị y tế thiết yếu như máy thở,… không đáp ứng  đủ. Đội ngũ  Y Bác sĩ, điều dưỡng,.. (người chiến sĩ tiên phong trong tuyến đầu chống dịch) kiệt sức, bị lây nhiểm bệnh, một số Y Bác sĩ đã hy sinh,… càng khiến bệnh nhân covid-19 thêm lâm nguy.
    Tổ chức y tế thế giới WHO công nhận Covid-19 là một đại dịch toàn cầu, siêu lây lan, đe dọa sinh mạng hằng triệu người. Không những tác hại sức khỏe con người, dịch bệnh còn khiến đời sống cộng đồng rối loạn, sản xuất đình trệ, kinh tế khủng hoảng xuất phát từ những hoạt động phòng chống virus. Một tai họa chưa từng có trong trăm năm nay.
      Việt Nam đã khống chế thành công dịch bệnh Covid-19 ở giai đoạn một, bùng phát khốc liệt ở nước láng giềng Trung Quốc. Hiện cả nước đang bước vào giai đoạn hai với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Người Việt từ những nước đang bị virus Corona tấn công ở Châu Âu, Mỹ, Trung Đông,v.v.. trở về quê hương lánh nạn, dù bị kiểm tra sức khỏe và cách ly 14 ngày ngay khi xuống sân bay họ vẫn chấp nhận. Tuy áp dụng những biện pháp triệt để để ngăn chặn dịch, nhưng khả năng lây lan virus ra cộng đồng là điều khó tránh khỏi.
           Ban chỉ đạo quốc gia cùng ngành y tế đang quyết tâm, nỗ lực tối đa khống chế virus Corona, phong tỏa, cách ly kiểm soát dịch bệnh nhằm giảm thiểu số người nhiễm bệnh, tích cực chữa trị bệnh nhân , giảm tĩ lệ tử vong. Thời điểm hai tuần quyết định thành bại trong trong quá trình chống dịch Virus Corona.
     Người dân cả nước tin tưởng Ban chỉ đạo, ngành y tế có chiến lược đúng, áp dụng những biện pháp hiệu quả khống chế được dịch bệnh, hạn chế tối đa bùng phát ra cộng đồng. Một đôi ngũ Y Bác sĩ giỏi hết lòng vì bệnh nhân, vì sức khỏe toàn dân luôn ở tuyến đầu chống dịch.
        Hy vọng dân tộc Việt Nam vượt qua đại dịch Virus Corona với tổn thất ít nhất./.
                   Phương Danh


Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

Tri ân Ngành y nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam


Tri ân quí Y- Bác sĩ và ngành Y.
      
  Tôi viết bài viết này xuất phát từ lòng biết ơn, sự xúc động chân thành những gì tôi đã nhận từ quí Bác sĩ, điều dưỡng  ở các bệnh viện và ngành y tế trong suốt quá trình điều trị bệnh.
  Gần hai mươi năm tôi bị bệnh, hai lần nhập viện cấp cứu do bệnh lý tim mạch. Theo tuổi đời  càng thêm những bệnh mãn tính nguy hiểm,tôi phải đi khám và điều trị nhiều bệnh viện, từ bệnh viện quê nhà Bình Dương đến các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên ở thành phố Hồ Chí Minh. Là bệnh nhân Bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYT), phần lớn chi phí điều trị do BHYT chi trả (80%),ở bệnh viện nào tôi cũng được quí các Bác sĩ khám điều tri tận tâm, không kỳ thị, không phân biệt. Tuy thời gian chờ đợi khám bệnh có lâu, do quá nhiều bệnh nhân khám bảo hiểm, các Bác sĩ, điều dưỡng luôn tận tình thăm hỏi, hướng dẫn cách dùng thuốc, chỉ định các xét nghiệm, cho những lời khuyên cần thiết. Nhờ vậy sức khỏe tôi dần ổn định. Điều tôi cảm động là sự tận tâm, quí Bác sĩ luôn khám cho hết bệnh nhân dù đã hết giờ làm việc, nhất là buổi trưa, chiều phải làm việc tiếp, Bác sĩ vẫn cố gắng “Để họ chờ thêm buổi chiều,tội nghiệp”.
       Cụ thể tôi chân thành tri ân:
  1/ Quí Y- bác sĩ bệnh viện Nhân Dân Gia Định, bệnh viện Đa khoa 512 Bình Dương, đã giúp tôi vượt qua hai lần cấp cứu do bệnh tim cách nay 16 năm và quí Bác sĩ khoa tim mạch can thiệp bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị tích cực giúp bệnh tim tôi dần ổn đinh.
   2/ Y, Bác sĩ Trung tâm y tế TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
    Nơi tôi đăng ký khám BHYT ban đầu mười mấy năm nay, trở thành bệnh nhân quen mặt. Tôi luôn được  Bác sĩ tận tâm khám bệnh và điều trị. Đối với những bệnh khó cần khám chuyên khoa, Bác sĩ cho lời khuyên và hướng dẫn tôi chuyển viện đến bệnh viện tuyến trên. Nhờ vậy tôi đến được các bệnh viện chuyên khoa điều trị đúng thầy, đúng bệnh nên bệnh dần cải thiện.
  3/ Y, Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bình Dương ( BV 512): nơi tôi điều trị thường xuyên các bệnh: tim-huyết áp, phì đại tiền liệt tuyến, bệnh mắt,.. Nhờ Bác sĩ định phác đồ điều trị phù hợp nên sức khỏe tôi được tốt hơn. Luôn tạo điều kiện cho tôi đến khám các bệnh viện tuyến trên và nhận lại điều trị khi bệnh tôi ổn định.
    4/ Bệnh viện Bình Dân TP.Hồ Chí Minh: điều trị giúp tôi bệnh phì đại tiền liệt tuyến (TLT) và bệnh tiểu khó hiệu quả.
    Tôi bị phì đại TLT năm 2011, Bác sĩ phòng khám ngoại ( sau này là phòng khám tiết niệu) BV đa khoa Bình Dương cho thuốc Xatral (Alfuzosin), một loại thuốc giúp dãn niệu đạo. Bệnh tôi có thuyên giảm nhưng vẫn còn khó tiểu, tiểu không hết, phải đi tiểu nhiều lần rất khó chịu. Tôi xin chuyển đến bệnh viện Bình Dân xin phẫu thuật cắt đốt nội soi TLT, định điều trị triệt để một lần cho dứt bệnh phì đại. Sau khi nghe tôi trình bày triệu chứng và quá trình điều trị, quí Bác sĩ từng bước cho tôi: siêu âm, xét nghiệm PSA, sau đó đo “niệu dòng đồ” rồi đo tiếp “áp lực đồ bọng đái” ( hai xét nghiệm sau BV tỉnh chưa có), nhờ vậy phát hiện thêm, ngoài phì đại TLT tôi còn bị chứng khó tiểu do niệu đạo hẹp và suy cơ Detrusor ở bàng quang. BS điều trị có một quyết định mà tôi rất cám ơn đó là điều trị nội khoa trước, chỉ nào không hiệu quả mới phẫu thuật. Trong toa thuốc, ngoài Xatral XL10mg còn có thêm Avodart 0,5mg ( Dutasterid) có tác dụng làm nhỏ lại TTL giảm phì đại. (lúc ấy bệnh viện tuyến tỉnh chưa có thuốc Avodart).
    Sự phối hợp hai loại thuốc giúp tôi đi tiểu dễ dàng không cần phải phẫu thuật. Thời gian sau khi BV 512 có thuốc Avodart tôi được giữ lại điều trị ở phòng khám tiết niệu, không còn phải xuống BV Bình Dân nữa.
 5/ Y, Bác sĩ bệnh viện Phạm Ngọc Thạch : chuyên về bệnh phổi.
    Tôi xin chuyển đến BV Phạm Ngọc Thạch khám bệnh cách nay 8 năm. Lúc ấy cơ thể tôi suy kiệt, ăn uống rất kém, khó thở, lại mắc bệnh tim- huyết áp. Bác sĩ chỉ định đo chức năng hô hấp, chụp X-quang phổi,.. xác định tôi bệnh hen phế quản, xơ phổi. Thời gian sau tôi được cho làm thêm các xét nghiệm: Text dị ứng trên da định dị nguyên hô hấp, đo FeNO. Chụp CT phổi phát hiện thêm bệnh khí phế thủng, một căn bệnh nguy hiểm. Tôi được phòng phục hồi chức năng hướng dẫn tập thở với nhiều tư thế. Mỗi năm tôi được kiểm tra lại để đánh giá kết quả điều trị. Chúng tôi luôn đươc Bác sĩ ân cần nhắc nhở chích ngừa bệnh cúm mùa “ Bị bệnh phổi dễ chết vì bệnh cúm lắm”.
     Nhờ quí Bác sĩ điều trị tích cực, chức năng hô hấp, dung lượng thở của tôi được cải thiện, sức khỏe phục hồi. Tôi ăn biết ngon không còn chán ăn nữa.
  Quả thật, nếu không nhờ quí Bác sĩ BV Phạm Ngọc Thạch tận tâm điều trị có lẽ tôi đã chết vì ngạt thở và suy tim. Căn nguyên bệnh tim của tôi là do bệnh lý hô hấp. Khi phổi tổn thương các phế quản, phế nang, việc trao đổi oxy và carbonic kém, tim phải làm việc nhiều đập nhanh đưa đến suy tim, rối loạn nhịp  cơ thể phù nề, suy kiệt dần rồi chết.
    6/ Chân thành cám ơn Y, Bác sĩ phòng khám Glaucoma, bệnh viện mắt, TP. Hồ Chí Minh.
     Đặc biệt tôi chân thành biết ơn TS.BS. Phạm thị Thủy Tiên. Nhờ BS Tiên mới xác định được bệnh tổn thương thi trường mắt của tôi do bệnh lý mạch máu não chứ không phải bệnh Gloucoma (tăng nhãn áp).  Não tôi có 02  u máu thể hang chèn ép làm hư hỏng thần kinh thị giác. Để đi tới kết luận này Bác sĩ phải có chuyên môn rất cao, cặp mắt nghề tinh tường, khi khám mắt bệnh nhân mới thấy sự khác biệt mắt bệnh gloucoma hay do bệnh lý thần kinh vì có cùng biểu hiện tổn thương thị trường mắt, thần kinh thị bị hư hoại. Khi nghi ngờ BS.Tiên đã cho tôi làm lại các xét nghiệm cận lâm sàng, ngoài đo nhãn áp, thị lực, khúc xạ mắt, còn chụp ảnh màu đáy mắt, soi góc tiền phòng, đo thị trường mắt, giới thiệu tôi đến BV Nguyễn Tri Phương chụp MRI sọ não. Nhờ vậy  phát hiện tôi bị 02 u máu thể hang và xuất huyết não. Bác sĩ Tiên ngưng điều trị bệnh glaucoma, nhiệt thành động viên tôi đến BV Chợ Rẫy hoặc BV.115 chữa u máu não càng sớm càng tốt vì để lâu mắt bị mù, hoặc bị tai biến.
     Thấy tôi đã lâu vẫn chưa đi điều trị u máu não BS Tiên nói: “Nếu khó khăn kinh tế, tôi có thể vận động tài trợ giúp chi phí điều trị, ông an tâm”, thật cảm động. Tôi luôn ghi nhớ tấm lòng của TS.BS. Phạm thị Thủy Tiên. Nhờ BS Thủy Tiên mới biết được nguyên nhân bệnh mắt  mới có hướng điều trị đúng, không cần dùng thuốc điều trị Gloucoma nữa.
    7/ Chân thành cảm ơn Y, Bác sĩ Khoa phẫu thuật thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy.
  Nhất là Phó giáo sư.TS.BS. Huỳnh Lê  Phương, Trưởng khoa ngoại thần kinh đã nhận phẫu thuật điều trị hai u máu thể hang giúp tôi. Bệnh án tôi là ca khó nên được đưa hội chẩn khoa. Với lương tâm thầy thuốc, dù bận trăm công nghìn việc, Giáo sư vẫn sẳn lòng nhận phẫu thuật não giúp tôi, một bệnh nhân không quen biết. PGS. Phương đã dành thời gian quí báu tiếp tôi tại phòng Trưởng khoa giải đáp những bâng khuâng, ưu tư của tôi khi phẫu thuật. Tôi an tâm làm thủ tục nhập viện. Cuối cùng sau gần hai tuần nhập viện thực hiện các xét nghiệm cần thiết trước khi phẩu thuật, Bác sĩ Trưởng khoa đã đưa ra một quyết định bất ngờ :  “không nên phẫu thuật lấy hai u mạch hang” và động viên tôi chấp nhận và an tâm sống chung với bệnh, không cần uống thuốc , đó là điều tốt nhất . Tôi hiểu đó là quyết định rất cân nhắc , rất đúng  của BS Trưởng khoa một chuyên gia phẫu thuật thần kinh. Nếu tôi mỗ não không biết giờ này tôi ra sao. Từ ngày xuất viện tôi an tâm sống không lo âu về u máu não nữa. Cảm kich tấm lòng  của BS Trưởng khoa tôi đã tìm đến Đơn vị điều phối ghép tạng BV Chợ Rẫy tìm hiểu và đăng ký hiến tạng.  Tôi chân thành cảm ơn BS Huỳnh Lê Phương, BS Nguyễn Đức Viễn và các bác sĩ, điều dưỡng khoa ngoại thần kinh đã tận tâm giúp tôi những ngày nhập viện chuẩn bị phẫu thuật não.
    8/ Tôi chân thành cám ơn TS.BS.Trần Chí  Cường. Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP.HCM.
  Bác sĩ đã dành thời gian quí báu khám và tư vấn giúp tôi về bệnh u máu thể hang. Dù chỉ khám giúp không nhận thù lao nhưng BS Cường rất tận tình xem  kỹ phim chụp cắt lớp MRI não và tư vấn rất đúng về việc điều trị. Nhờ vậy tôi quyết định từ bỏ điều trị bằng xạ phẫu, có thể mang nhiều biến chứng nguy hiểm.
    9/ Chân thành cảm ơn BS.CKI. Bùi Tấn Nhanh, BV đa khoa TP.Thuận An, Bình Dương. Người luôn hỗ trợ tích cực và tư vấn cho tôi và gia đình trong việc điều trị bệnh suốt hơn hai mươi năm nay.
  
  Một lần nữa tôi chân thành cảm ơn Quí Bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên,…với trách nhiệm cao cả của người thầy thuốc đã hết lòng vì bênh nhân. Giúp tôi phục hồi sức khỏe sống chung  được với những căn bệnh mãn tính. Tôi chỉ là bệnh nhân  BHYT đơn thuần, không quen biết ai nhưng lúc nào tôi cũng  được các Bác sĩ giỏi, các chuyên gia điều trị tư vấn giúp, thật may mắn. Tôi hiểu đó xuất phát từ y đức, từ lương tâm thầy thuốc.
    Cảm ơn chủ trương Bảo hiểm y tế toàn dân của Chính phủ  đã giúp người dân nghèo, người lao động, công nhân viên chức,… có điều kiện khám chữa bệnh ít tốn tiền. Việc mở rộng Bảo hiểm y tế toàn dân là một chủ trương lớn, nhân văn dựa trên sự đồng chia sẻ của công đồng, rất cần sự hiểu biết ủng hộ của tất cả mọi người./.
                                                                                    Phương Danh