Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013



                     TÌNH CỜ HỘI NGỘ THƠ XUÂN.
     
     Sáng mùng 6, như thường lệ tôi ngồi độc ẩm cà phê tại quán quen thuộc ven sông. Hơi ấm cà phê không xua tan được khí lạnh, tôi co ro trong chiếc áo ấm nghe cảm giác miên man, không tập trung đọc báo Tuổi trẻ số đầu năm được. Chợt điện thoại rung lên, à anh Giao," Danh rảnh không, đến vườn Pha Lê, có quyển sách, tặng chú”. Chà đầu năm được tặng sách còn gì bằng.
    Tôi gặp anh Giao, một người bạn vong niên trong một không gian nhỏ, riêng biệt của vườn lan Pha Lê, (đã giới thiệu trong entry "Một chút duyên thôi"). Các loài lan đang khoe sắc đón xuân. Nhấp chén  Hồng trà do chính tay chủ quán, nhà thơ Nam Chu pha chế, thắm vị chua, ngọt dịu đặc biệt. Nam Chu niềm nở, hãy chờ một lát, chút rảnh mình ra.
    Anh Giao lấy ra quyển sách, là một bản photo “Chuyện lạ miệt vườn", tác giả Cao Hùng, ghi lời tặng. 
- "Tôi biết chú đang tìm hiểu về trường sinh học nên tặng chú quyển sách này để tham khảo, ngày hôm qua tôi đến thăm vườn Long An, chuyện lạ có thật đúng như sách viết."
 Tôi đã biết ông Cao Hùng qua tác phẩm “Chuyện lạ có thật về một con người". Người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh, nghiêm túc, thấu đáo.
   Cũng cần nói thêm, anh Giao tức Bùi Hữu Giao là một nhà sư phạm tâm huyết, anh từ miền Bắc chi viện vào Nam năm 1977, chuyên nghiên cứu về tâm lý giáo dục. Sau khi nghỉ hưu anh đã nghiên cứu viết quyển “Hành trang cuộc đời", một loại sách học làm người dành cho lớp trẻ. Anh đã đi nhiều nơi từ Nam ra Bắc để giới thiệu, thuyết trình công trình nghiên cứu tim óc này, sách đã được tái bản nhiều lần.  Anh tâm sự: “Là người theo chủ nghĩa Mác – Lênin, một người vô thần, nhưng bây giờ tôi tin là có tâm linh, tôi định đưa vào quyển “ Hành trang đời người ” một nội dung nữa là con người cần có hiểu biết về tâm linh”.
  Tôi giật mình, một vấn đề lớn đây, suy nghĩ một lát tôi giải bày “Đang tìm hiểu về trường sinh học, em cũng tin là có tâm linh thật, nhưng đây là lĩnh vực hết sức rộng lớn, mênh mông, khó xác định, dễ lầm lẫn với mê tín dị đoan, anh nên tìm hiểu thêm và cân nhắc cẩn thận ”.  Rồi chúng tôi ngồi im lặng  trầm tư. 
    Chợt có tiếng “Hai anh em nhỏ to tâm sự gì đó ”. Chúng tôi quay ra, anh Học, Nguyễn Hiếu Học một nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử uyên bác, người Huế, bạn tâm giao với anh Giao, cùng  nhà thơ Ngọc Chiếu, thạc sĩ văn chương, một người miền Nam, bước vào. Nhà thơ Nam Chu, một Phật tử, nghiên cứu về Thiền học, sau khi đích thân pha cà phê cho bạn cũng ngồi vào bàn. Chúng tôi quây quần  chuyện trò rơm rả. Một cuộc tương phùng không hẹn trước, có cả Bắc - Trung - Nam, người hữu thần kẻ vô thần, mỗi người mỗi vẽ, đều đam mê nghiên cứu một lĩnh vực riêng nhưng có điểm chung là tâm hồn nghệ sĩ và tôn trọng nhau. Vườn lan Pha Lê, hôm nay ngày xuân muộn, tình cờ hội tụ những tài hoa. Chỉ riêng tôi là người nhỏ nhất, bình thường nhất.
     Rồi Ngọc Chiếu cao hứng giới thiệu thơ trước , một bài thơ mới làm đêm qua:
              Mai vàng ngậm nụ nở từng bông
              Tiết xuân se lạnh níu mùa đông
               Nắng vàng đã thắp trời chưa ấm
               Sao gởi cho em chút nắng hồng .
 Một bài thơ với cảm xúc chân thực một mùa xuân không trọn, mai vàng ngậm nụ không khoe sắc. Hay quá, tôi nhờ Ngọc Chiếu chép tặng bài thơ ngay vào quyển sách anh Giao vừa tặng.
       Anh Nguyễn Hiếu Học cũng cao hứng đề tặng một bài thơ xuân, nét chữ bay lượn và lời đề tặng trang trọng, tặng Danh hiền đệ. Rồi anh đọc to, giọng hào sảng:
                           Phút giao thừa 
                Đây phút năm tàn đến với ta
                Buồn vui năm cũ sắp trôi qua
                Lắng nghe xúc cảm từ sâu thẳm
                Hy vọng đang về … hay vẫn xa.
         Bài thơ sâu lắng nỗi niềm hoài vọng.
   Cả hai nhà thơ đều cùng sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt thật chuẩn, mang âm hưởng buồn man mác. Riêng nhà thơ Nam Chu đọc một bài thơ năm chữ thật sống động:
               Mùa xuân ơi, dừng lại
               Rải nắng hồng quanh tôi
               Tưới chất hương khờ dại
               Thêu bình minh lên môi.
       Bài thơ trẻ trung quá, phải không.
  Anh Bùi Hữu Giao ngồi im lặng lắng nghe, không góp bài thơ nào. Cuộc sống của anh đã là thơ là hoa rồi. Có cuộc vui hôm nay anh là người góp công đầu, tình cờ khởi xướng. Riêng tôi, tiếng thơ tắc lịm từ lâu, vả lại tôi cũng không dám múa rìu qua mắt thợ. Chỉ biết im lặng và cảm nhận. Tôi cầm lấy quyển sách, dâng lên niềm vui. Đây là lưu bút ngày xuân của những người bạn nghệ sĩ, thật tình cờ và đầy ngẩu hứng. Một kỹ niệm không bao giờ tôi quên./.
                                                                                    Phương Danh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét