Tưởng nhớ nhà thơ Nam Chu.
Được tin anh mất tôi thật bàng hoàng.Tưởng nhớ anh, xin đăng lại hai bài tôi viết kỷ niệm về anh, nhà thơ Nam Chu.
Bài 1:
Một chút duyên thôi.
Tôi quen anh khoảng
hai năm.Trong suy nghĩ của tôi, anh là một nghệ sĩ.Phong thái hòa nhã, chân
tình, anh như cục nam châm cuốn hút nhiều người.
Anh mở quán cà phê
tại nhà, quán nằm khuất trong hẻm ven con rạch được xây kè bê tông lát lối đi .
Quán có nhiều nét riêng, khác biệt hẳn với những quán khác.Quán là một vườn
phong lan trong ngôi nhà lợp mái trong suốt đón nắng mặt trời . Khi ngồi uống
cà phê, bạn có thể nhìn ngắm hoa lan đang khoe sắc. Mokara vươn cao xanh mướt
phơi những đài hoa vàng ; Oncidium sắc màu rực rỡ như vũ nữ; Phal. Carmela’s
Dream, một loài Hồ điệp trắng màu tinh
khiết làm say đắm hồn người, …
Quán còn là một thư
viện nhỏ. Những kệ bằng tre được thiết kế mỹ thuật giống ngôi nhà nhiều tầng
trưng bày những quyển sách, tạp chí. Nhiều nhất là sách Phật học, tự điển, kiến thức
ngày nay, v.v…Hai cây Guitar, một cây treo lên
cột, một cây dựa lưng vào kệ sách như mời gọi.
Bạn có thể đến quán
nhâm nhi cà phê hay trà, thưởng lãm hoa lan , ngồi thật lâu đọc sách và nghe thoang thoảng một bản nhạc nhẹ hòa tấu hay một làn giao hưởng.
Bạn cũng có thể mượn sách đem về nhà và nhớ đem trả, vậy thôi. Hay bạn cầm lấy
guitar rãi lên những hợp âm , tùy thích.
Nét đặc biệt nữa là quán có nhiều loại trà. Đầu tiên bạn
được mời uống trà Bắc rót trong chung nhỏ thật nóng, vị đắng hậu ngọt . Hồng
trà từ quả sơn tra, có vị chua chua được làm dịu lại bằng những hạt đường phèn
thanh khiết . trà dưỡng sinh với các vị thuốc Bắc . Đặc biệt có trà Pha lê,
không thua vì trà Hoàng cung ngày xưa dành cho các vị vua chúa. Về giá cả, bạn
an tâm, rẻ đến bất ngờ . Gặp ngày lễ, hay một kỹ niệm nào đó bạn còn được mời uống
miễn phí. Anh mở quán không nhằm mục đích kinh doanh . Nơi đây để anh đón những
thân hữu và những người đồng điệu .
Trước kia tôi không
đến quán anh thường xuyên, chỉ khi có bạn
thân điện gọi tôi mới đến . Mỗi buổi sáng sau khi tập dưỡng sinh tôi đến một
nơi chốn tương đối yên tỉnh uống một ly
cà phê, đọc một hai tờ báo rồi bắt đầu cho công việc một ngày . Quán anh không có chổ riêng đó . Những thân hữu ngồi
bên nhau chuyện trò thân mật . Anh ra tiếp chuyện khi ngồi bàn này khi ngồi bàn
khác.
Tôi và anh có nhiều khác biệt, tôi sống khép kín cô độc, còn
anh cởi mở hòa đồng, nên tuy quí nhau nhưng không thân thiết.
Mọi việc đều có
duyên của nó. Lần đầu tiên đến quán thấy tôi thích thú ngắm một bình hoa lan nhỏ
đặt trên một dĩa hình trái tim thật đẹp, anh liền tặng tôi bình hoa đó, đến nay
tôi vẫn dùng chưng hoa . Trước tết tôi đến nhờ anh chọn giúp một giò lan để biếu
một vị sư trụ trì ( chứ không phải một giai nhân ) . Sau một hồi đắn đo chọn lựa
anh đã chọn một giò lan thật đẹp, cành
hoa vươn cao, hoa mới vừa hé nụ, điểm xuyến vài hoa nở một màu trắng tinh khôi.
Anh đã chăm chút cắt tỉa, tạo dáng thật
công phu, gói lại cẩn thận sợ tôi đi đường làm hoa dâp gãy. Nhìn anh làm,
tôi ái ngại và sốt ruột thay, những ngày
cuối năm bận rộn sao anh lại dành nhiều thời gian cho tôi quá. Tôi mới hiểu
tính anh kỹ lưỡng và thích nâng niu cái
đẹp. Sư trụ trì rất quí giò lan Hồ điệp đó và còn chăm sóc đến ngày nay.
Thời gian gần đây
tôi đang tìm hiểu về từ “duyên”, nhất là "duyên" trong đạo Phật tôi
không hiểu nhiều. “Hãy gặp anh ”, đó là lời bạn
khuyên tôi. Tôi đến anh vào giờ thưa khách và trình bày ý định của mình,
anh mau mắn lấy cho tôi mượn cuốn“Từ điển phật học Hán Việt”, những từ Hán Việt khó hiểu tôi được anh giải thích tường tận. Kiến thức Phật học của
anh thật uyên bác.
Anh bắt đầu cuốn hút tôi rồi, buổi sáng hôm sau
thay vì vào quán quen thuộc tôi đến quán anh. Tôi là người đến sớm nhất, anh đến
chuyện trò thân tình . Một lát sau anh vào nhà lấy một tập thơ tặng tôi, lời đề
tặng trang trọng .Thế ra anh là nhà thơ Nam Chu với những bài thơ khẳng khái,
bay bổng. Những sáng tác của anh được
đăng ở báo Giác Ngộ, tạp chí Hương Thiền. Anh từng là một huynh trưởng Gia đình
Phật tử. Trước kia phụ trách chuyên mục
Thiếu nhi của báo Giác Ngộ. Anh cùng với một số thân hữu lập nhóm Mây Hồng
chuyên nuôi dưỡng, giúp đở trẻ em đường phố, lo cơm ăn, tạo công ăn việc làm
cho các cháu.
Qua thời gian tìm
hiểu, chân dung anh từ từ rõ nét, sinh động . Anh là người mãi mê đi tìm cái đẹp,
trân trọng quí yêu và sống vì lý tưởng phụng sự. Bây giờ tôi cảm thấy gần gũi
và thân với anh hơn.( Xin đừng cho rằng tôi thấy sang bắt quàng làm họ ). Tôi
quyết định mỗi sáng khi tập dưỡng sinh xong, đến quán anh uống trà, nếu anh có
rảnh sẽ chuyện trò cùng anh. Tôi mua sẳn tờ báo để chia sẻ tin tức với những
thân hữu khác .Tôi phát thảo một bài viết để giới thiệu thơ anh lấy tựa đề “Một
chút duyên thơ ”.
Nhưng…
Hai ngày sau tôi đến,
quán đóng cửa im lìm. Ngoài cửa treo tấm bảng : “quán nghỉ dài ngày, xin thông
cảm”. Tôi nghĩ đơn giản chắc cô phục vụ bận về quê, anh lại bận việc nên không
mở quán được. Tôi đến vài lần nữa cửa vẫn đóng. Quá nóng ruột buổi trưa tôi tìm
đến, cũng may gặp anh, mới biết anh nghỉ
bán hẳn, anh bài tỏ sự hối tiếc. Nguyên do là vườn lan do tiếp xúc với nhiều
người, nhiều khói thuốc lá, lan đã suy và chết nhiều nên buộc lòng anh phải
đóng cửa . Anh định khi chấn chỉnh việc trồng lan xong, sẽ tạo một nơi tiếp khách riêng để các thân hữu
đến uống trà đàm đạo.
Tôi ra về với tâm trạng buồn buồn, gần hai năm dài do không hiểu nhiều về anh
tôi đến với anh quá muộn . Chút duyên đưa đẩy, tôi và anh hiểu biết nhau hơn.
Khi tôi muốn đến quán thường xuyên, quán
lại đóng cửa rồi. Tôi đành sửa lại tựa đề “Một chút duyên thơ” thành “Một chút duyên thôi ”, chỉ sửa vài nét chữ
sao nghĩa khác đi nhiều quá ./.
Phương
Danh
tháng 12 - 2012
Cám ơn anh tặng tôi tập thơ này, một món quà thật quí.
ĐIỀU THÚ VỊ
Ta bí mật rủ nhau đi một chuyến
Đợi đêm về cười
cợt với trăng sao
Đừng đánh thức
một làn hương Nguyệt Quế
Đàn bướm đêm sẽ
rạo rực chiêm bao.
TRỞ VỀ
Ta phải trở về
thôi! Không đi nữa
Không thể sống
muôn đời để tường tận, thế gian
Không thể yêu
cho hết những người ta ngưỡng mộ
Vì bên đây còn
mãi đóa Ngọc lan.
Ta phải trở về
thôi! không đi nữa
Tay không đủ
dài để ôm hết trẻ lang thang
Chân không đủ cứng
để tìm người khốn khổ
Ta trở về vườn
ta còn có những búp măng .
Ta phải trở về
thôi! không đi nữa
Những hàng hiên
không có chỗ ta nằm
Về ngôi nhà của
ta vẫn còn hơi ấm
Có một mối tình
thề thốt trăm năm./.
Nam Chu
Bài 2: Bài viết này tôi viết từ cảm hứng hội ngộ tại quán cà phê Pha Lê của anh Nam Chu.
TÌNH CỜ HỘI NGỘ THƠ XUÂN.
Sáng mùng 6, như thường lệ tôi ngồi độc ẩm cà phê tại quán quen thuộc ven sông. Hơi ấm cà phê không xua tan được khí lạnh, tôi co ro trong chiếc áo ấm nghe cảm giác miên man, không tập trung đọc báo Tuổi trẻ số đầu năm được. Chợt điện thoại rung lên, à anh Giao," Danh rảnh không, đến vườn Pha Lê, có quyển sách, tặng chú”. Chà đầu năm được tặng sách còn gì bằng.
Tôi gặp anh Giao,
một người bạn vong niên trong một không gian nhỏ, riêng biệt của vườn lan Pha
Lê, (đã giới thiệu trong entry "Một chút duyên thôi"). Các loài lan
đang khoe sắc đón xuân. Nhấp chén Hồng
trà do chính tay chủ quán, nhà thơ Nam Chu pha chế, thắm vị chua, ngọt dịu đặc
biệt. Nam Chu niềm nở, hãy chờ một lát, chút rảnh mình ra.
Anh Giao lấy ra
quyển sách, là một bản photo “Chuyện lạ miệt vườn", tác giả Cao Hùng, ghi
lời tặng.
- "Tôi biết chú đang tìm hiểu về trường sinh học nên tặng
chú quyển sách này để tham khảo, ngày hôm qua tôi đến thăm vườn Long An, chuyện
lạ có thật đúng như sách viết."
Tôi đã biết ông Cao
Hùng qua tác phẩm “Chuyện lạ có thật về một con người". Người chuyên
nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh, nghiêm túc, thấu đáo.
Cũng cần nói thêm,
anh Giao tức Bùi Hữu Giao là một nhà sư phạm tâm huyết, anh từ miền Bắc chi viện
vào Nam năm 1977, chuyên nghiên cứu về tâm lý giáo dục. Sau khi nghỉ hưu anh đã
nghiên cứu viết quyển “Hành trang cuộc đời", một loại sách học làm người
dành cho lớp trẻ. Anh đã đi nhiều nơi từ Nam ra Bắc để giới thiệu, thuyết trình
công trình nghiên cứu tim óc này, sách đã được tái bản nhiều lần. Anh tâm sự: “Là người theo chủ nghĩa Mác –
Lênin, một người vô thần, nhưng bây giờ tôi tin là có tâm linh, tôi định đưa
vào quyển “ Hành trang đời người ” một nội dung nữa là con người cần có hiểu biết
về tâm linh”.
Tôi giật mình, một vấn
đề lớn đây, suy nghĩ một lát tôi giải bày “Đang tìm hiểu về trường sinh học, em
cũng tin là có tâm linh thật, nhưng đây là lĩnh vực hết sức rộng lớn, mênh
mông, khó xác định, dễ lầm lẫn với mê tín dị đoan, anh nên tìm hiểu thêm và cân
nhắc cẩn thận ”. Rồi chúng tôi ngồi im lặng trầm tư.
Chợt có tiếng “Hai anh em nhỏ to tâm sự gì đó ”. Chúng tôi quay ra, anh Học, Nguyễn Hiếu Học một nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử uyên bác, người Huế, bạn tâm giao với anh Giao, cùng nhà thơ Ngọc Chiếu, thạc sĩ văn chương, một người miền Nam, bước vào. Nhà thơ Nam Chu, một Phật tử, nghiên cứu về Thiền học, sau khi đích thân pha cà phê cho bạn cũng ngồi vào bàn.
Chúng
tôi quây quần chuyện trò rơm rả. Một cuộc
tương phùng không hẹn trước, có cả Bắc - Trung - Nam, người hữu thần kẻ vô thần,
mỗi người mỗi vẻ, đều đam mê nghiên cứu một lĩnh vực riêng nhưng có điểm chung
là tâm hồn nghệ sĩ và tôn trọng nhau. Vườn lan Pha Lê, hôm nay ngày xuân muộn,
tình cờ hội tụ những tài hoa. Chỉ riêng tôi là người nhỏ nhất, bình thường nhất.
Rồi Ngọc Chiếu
cao hứng giới thiệu thơ trước , một bài thơ mới làm đêm qua:
Mai vàng
ngậm nụ nở từng bông
Tiết
xuân se lạnh níu mùa đông
Nắng
vàng đã thắp trời chưa ấm
Sao gởi
cho em chút nắng hồng .
Một bài thơ với cảm
xúc chân thực một mùa xuân không trọn, mai vàng ngậm nụ không khoe sắc. Hay
quá, tôi nhờ Ngọc Chiếu chép tặng bài thơ ngay vào quyển sách anh Giao vừa tặng.
Anh Nguyễn Hiếu
Học cũng cao hứng đề tặng một bài thơ xuân, nét chữ bay lượn và lời đề tặng
trang trọng, tặng Danh hiền đệ. Rồi anh đọc to, giọng hào sảng:
Phút giao thừa
Đây
phút năm tàn đến với ta
Buồn
vui năm cũ sắp trôi qua
Lắng
nghe xúc cảm từ sâu thẳm
Hy vọng đang về … hay vẫn xa.
Bài thơ sâu lắng nỗi niềm hoài vọng.
Cả hai nhà thơ đều cùng sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt thật chuẩn, mang âm hưởng buồn man mác.
Riêng nhà thơ Nam Chu đọc một bài thơ năm chữ thật sống động:
Mùa
xuân ơi, dừng lại
Rải nắng
hồng quanh tôi
Tưới chất
hương khờ dại
Thêu
bình minh lên môi.
Bài thơ trẻ
trung quá, phải không?
Anh Bùi Hữu Giao ngồi
im lặng lắng nghe, không góp bài thơ nào. Cuộc sống của anh đã là thơ là hoa rồi.
Có cuộc vui hôm nay anh là người góp công đầu, tình cờ khởi xướng. Riêng tôi,
tiếng thơ tắc lịm từ lâu, vả lại tôi cũng không dám múa rìu qua mắt thợ. Chỉ biết
im lặng và cảm nhận. Tôi cầm lấy quyển sách, dâng lên niềm vui. Đây là lưu bút
ngày xuân của những người bạn nghệ sĩ, thật tình cờ và đầy ngẩu hứng. Một kỷ niệm
không bao giờ tôi quên./.
Phương Danh
tháng 01 - 2013.
... hồi ức ...
Trả lờiXóaThật vui khi anh Đỗ Văn và anh Lý Lãng đến thãm.
XóaTôi thật xúc động khi anh Nam Chu mất, những kỷ niệm về anh với quán cà phê Pha Lê thắm tình bằng hữu ùa về. Nhưng tất că giờ đã xa.
Ước gì trong đời Quỳnh được gặp một người Bạn và được ngồi nhâm nhi trong quán cà phê như anh Phương Danh đã có duyên may hạnh ngộ cùng nhà thơ Nam Chu.
Trả lờiXóaKính chúc anh Phương Danh an vui.
Anh Lý Lãng có nhiều điều rất hay rất quí là có nhiều thi hữu cùng vịnh thơ, một thú vui thật tao nhã.Thăm trang blog của anh và anh Đỗ Văn thật thích. Cám ơn anh ghé thăm.
XóaKỷ niệm về nhà thơ Nam Chu cũng là người bạn của Phương Danh qua bài viết của bạn thật nhiều cảm xúc!
Trả lờiXóaCảm ơn bạn GH đến thăm, chịu khó đọc và ghi nhận xét bài viết dài của tôi. Bạn vẫn khỏe chứ.
Trả lờiXóaGH vẫn khỏe bạn à, cảm ơn PD đã hỏi thăm.
XóaBạn GH chọn nhạc hay quá.
XóaNhững kỷ niệm thật đẹp đẽ về những người bạn đáng kính. Những cuộc hội ngộ trong đời tuy ít ỏi nhưng đó là những khoảng thời gian để trân trọng và luyến nhớ. Mong cho linh hồn nhà thơ Nam Chu siêu thoát. Chúc cho bạn sẽ có những cuộc hội ngộ tiếp theo.
Trả lờiXóaCám ơn bạn Linh Lan đến thăm với lời chúc tốt đẹp. Nhừng người bạn của tôi lần lượt ra đi. Dẫu biết đó là qui luật nhưng vẫn ngậm ngùi. Bạn ơi, chúng ta hãy trân quí cuộc sống.
Trả lờiXóa