Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Truyện ngắn: Người mẹ.





NGƯỜI MẸ
    
   Tin hai anh em con người bán vé số cùng thi đổ đại học làm xôn xao bà con lối xóm.
 - Chèn đéc ơi, tụi nó coi vậy mà học giỏi quá trời.
 - Chà đứa con trai đậu bách khoa, đứa con gái đậu trường khoa học gì đó, tương lai lắm.
    Bà con nhìn người mẹ với chiếc xe đạp cọc cạch, thương cảm. Rồi đây thân chị sẽ còm hơn, dáng đi tất bật hơn, chỉ biết động viên:
  -Thôi ráng lo cho tụi nhỏ, mai mốt nhờ.
     Chị nở nụ cười gượng gạo cám ơn.
   Người mẹ ấy dáng nhỏ nhắn, nước da sậm màu mưa nắng, bước đi lủi thủi cam chịu. Mỗi sáng chị thức dậy sớm chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà, để dành phần cơm trưa cho hai con, chị cùng chiếc xe đạp cũ kỹ ra khỏi nhà bất kể mưa hay nắng. Xấp vé số trên tay, lộ trình quen thuộc hằng chục năm nay. Điểm đến những quán cà phê, quán phở, quán mì hủ tiếu, nơi tập trung đông người. Chị đi từng bàn cố nhoẻn nụ cười mời khách. Chị bán không lại những cô gái son trẻ, cười thật tươi, giọng nhõng nhẽo, ngồi lân la bên những khách nam chào mời. Chị nghiêm trang và buồn quá. Nhưng nhờ kiên nhẫn, đằm thắm, dần dần chị cũng có một số khách quen thuộc, những người nghiêm túc mua ủng hộ, mua ai cũng vậy thôi mua giúp chị.
    Những ngày tháng đầu đi bán thật khó khăn. Chị phải đấu tranh tư tưởng với chính mình thật nhiều. Mình phải đi bán vé số thật sao? Còn nghề nào khác không? làm sao nhìn bạn bè. Cha mẹ buồn tủi, nuôi cho nó ăn học mà giờ này đi lang thang bán vé số...
Thôi thì bán tạm một thời gian, kiếm chút vốn rồi chuyển nghề khác. Không chỉ nghề này tốn ít vốn, không đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp mhiều, tuy vất vả nhưng tự bản thân làm chủ không phụ thuộc ai.
   Gian nan nhất những buổi chiều ế ẩm, gần tới giờ sổ số, không kịp trả cho đại lý. Chị cũng như các bạn khác, hớt hải chạy vạy van nài từng khách mua giúp cho hết sấp vé số trên tay. Những lúc gặp người thương tình, có người tin vé số ế hên lắm, mua hết, thật mừng. Cũng có đôi lần không bán kịp chị thẫn thờ ngồi dưới gốc cây bên đường, mệt mỏi, tay vuốt từng vé còn lại thầm khẩn cầu cho con trúng số, ngày nay lỗ nặng. Phải bán 10 tờ mới bù được một tờ bị ế.
     Lâu dần rồi cũng quen, chị gắn bó với nghiệp vé số hơn mười năm nay, từ lúc con Linh mới vào lớp một nay đã tốt nghiệp phổ thông và thi đại học. Chiếc xe đạp đã bao lần thay vỏ ruột, nhông sên, ổ đạn. Chỉ còn sườn xe dàn đầm ngày xưa, tuy lớp sơn trầy trụa nhưng bền chắc. Dự định dành dụm mua chiếc xe mới bao lần nhưng rồi cũng không bao giờ có đủ tiền.Việc học hai con mỗi năm chi phí một cao. Chị phải thật dè sẻn, các con ăn uống kham khổ mới đủ chi dụng. Cũng may nhờ các Thầy thương tình, dạy thêm nâng cao toán – lý – hóa – sinh cho hai con từ lớp mười đến lớp mười hai mà không thu học phí, nhiều khi còn mua sữa biếu, bồi dưỡng cho bớt ốm. Nhờ vậy hai con mới đủ trình độ thi vào đại học. Ơn nghĩa này biết làm sao đền đáp .
   Nghĩ đến hai con vào được đại học, chị như trút được nỗi nhọc nhằn bao năm. Con đường độc hành chông gai trắc trở phải đi, chị chỉ biết mỗi đêm khẩn cầu trời Phật phù hộ. Quả thật nếu không nhờ ơn Phật trời sức chị làm sao vượt qua nổi. Biết bao khó khăn thử thách, nhiều khi chị muốn bỏ cuộc, chỉ biết khóc nghẹn ngào trong đêm vắng, nghĩ đến chị rùng mình.
   Chị nhớ lại khoảng thời gian đi tìm thằng Tuấn, mới đây mà đã bốn năm. Lúc ấy Tuấn vừa bắt đầu học cấp ba, cái tuổi giao thời giữa trẻ con và người lớn, bắt đầu biết nghĩ suy nhưng chưa chín chắn. Tuấn trải qua một cú sốc nặng, không còn tha thiết điều gì, bỏ học, bỏ nhà ra đi. Nếu không có tình thương con vô bờ bến, không biết bây giờ thân nó ra sao.
  Chạng vạng tối bữa đó chị về đến nhà, sao nhà im vắng quá, cửa trước đóng im lìm, tối thui.
 - Tuấn sao lại đóng cửa, bật đèn lên chứ.
    Gọi thêm vài lần, cũng không nghe tiếng con.Linh ở nhà sau chạy lên, Chị hỏi dồn: 
 - Anh con đâu ?
  - không biết anh Tuấn đi đâu từ trưa đến giờ con cũng không gặp.
    Chị tái mặt linh cảm chuyện chẳng lành. Hổm rày thấy Tuấn lầm lì ít nói, biếng nhác, chị buồn lắm nhiều khi quá mệt mỏi chị lớn tiếng rầy la. Tuấn đáp lại: - Con chán lắm rồi. rồi lẳng lặng không nói không năng, do đa đoan chị cũng không để ý.
   - Đâu con chạy qua bà nội coi nó có về bển không? Nếu không hỏi nội hay các chú biết nó ở đâu không? Con đi lẹ …lẹ lên .
     Chị thầm mong sao nó có bên nội, nếu không thì không biết ở đâu mà tìm. Chỉ hy vọng mong manh thôi chứ chị biết từ lâu nó không ưa về bển.
    Chị sốt ruột đành ra nhà sao tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa chờ con về, phải cả tiếng mới biết thực hư ra sao.
     Linh về báo Tuấn không qua nhà nội. Cố giữ bình tỉnh để Linh không hốt hoảng, chị bảo :
   - Con ăn cơm xong dọn dẹp, mẹ đến nhà thầy Chủ nhiệm hỏi thăm xem sao.
    Mới hay Tuấn đã nghỉ học ba bữa nay. Lòng chị rối như tơ vò, tự trách phải chi mình quan tâm đến con nhiều hơn khi thấy có những biểu hiện không bình thường.
      Về đến nhà trời đã về khuya. Chị nghe con gái báo: 
  - Mẹ ơi, lúc mẹ vừa đi khỏi có người bạn học của anh Hai mang thư đến, mẹ đọc đi . Chị run run mở vội lá thư,Tuấn viết:
                Thưa mẹ ,
      Con đã khôn lớn rồi, không thể tiếp tục để mẹ vất vả đi bán vé số nuôi con. Con đi tìm việc làm, dành dụm tiền để mẹ chuyển qua một nghề khác không phải bán vé số nữa, nghề này khổ cực, xấu hổ lắm.
     Mẹ an tâm con kiếm việc hẳn hoi chứ không hư hỏng đâu mẹ sợ. Mẹ đừng lo cho con. 
                                                     con Tuấn .
    Xem xong thư, chị tím mặt, chắc nó nghe bạn bè cười chê có mẹ bán vé số nên mặc cảm nghĩ quẩn rồi. Đêm chị trằn trọc, nước mắt lăn dài trên má. Phải bằng mọi cách tìm được Tuấn đưa nó về nhà, phân giải thiệt hơn, thuyết phục nó tiếp tục đi học, dù phải bỏ buôn bán, cho dù phải tìm kiếm gian nan. Chị cố nén nỗi đau, bình tỉnh sắp xếp mọi việc. Tìm gặp vài đầu mối có thể lần ra sợi chỉ rối, đến nhà mấy đứa bạn Tuấn, thầy cô, một số bà con thân thuộc. Rồi còn lo thu xếp gởi Linh qua nhà ngoại, trấn an nó. Nó đang học lớp 9, một năm học quan trọng không thể gián đoạn. Mãi suy nghĩ chị ngủ thiếp đi lúc nào không biết, dáng co ro khổ sở.
         Ròng rã hơn ba tháng, chị tất tả tìm con, nghe phong phanh con ở nơi nào, chị cũng vội tìm đến. Có khi lên tận Komtum, một bạn nó nói, nghe Tuấn làm công cho một thầu khai thác gổ. Chị lên Phước Long khi nghe, nó cạo mũ cao su cho chủ một trang trại. Chị vật vã đôn đáo tìm con. Hết tiền chị đành vay mượn bà con bạn bè, ai cũng thương tình giúp đở. Phải tìm con cho bằng được, con có bề gì chị làm sao chịu đựng nổi. Có người báo thấy nó ở Sài Gòn. Chị tức tốc xuống thành phố, không khéo nó thành kẻ bụi đời sa vào xì ke ma túy thì khốn khổ. Đêm chị tìm chỗ trọ rẻ tiền, ngày chị đi hết các bến xe, nơi đông người tứ xứ làm thuê nhất, Tuấn cũng biệt tăm. Chị lang thang hết nơi này đến nơi khác, miệt mài. Thậm chí chị đến đồn công an nhờ giúp đở nhưng vô vọng, cơ man người vô gia cư không đăng ký tạm trú làm sao công an biết được. Chị ở thành phố hơn hai tháng, mỗi tuần về nhà một lần để thăm nom bé Linh, rồi tìm kiếm tiếp, hết cả tiền vay mượn dù chị ăn uống rất dè sẻn.
      Không thể bỏ cuộc, túng thế chị vào một ngôi chùa trình bày hoàn cảnh, xin cơm, tá túc qua đêm. Thấy chị đau khổ, người toát lên vẻ chân chất, vị Ni sư trụ trì chấp thuận còn nhiệt thành giúp đở, báo với các Phật tử nhờ lưu tâm tìm kiếm giúp. Khoảng hai tuần sau, tối nọ một vị cư sĩ đến cho biết thấy một cậu nhỏ giống giống người trong ảnh dường như đang khiêng vác ở một công trường xây dựng, và hẹn ngày mai sẽ dẫn chị đến đó. Lòng chị lóe lên niềm hy vọng, chị đến chánh điện quì xuống chấp tay cầu Phật Tổ Như Lai độ trì. Đêm chị thầm cầu nguyện Phật Quan Âm phù hộ chị gặp được con.
    Quả nhiên là nó, đen xạm, hốc hác. Chị chạy ào đến, Tuấn sửng người đứng trân: - mẹ.
     Chị ôm con nức nở, bao nỗi nhọc nhằn dồn nén vỡ òa.      Tuấn xin phép đốc công rồi đưa mẹ đến quán cốc gần đó. Người dẫn đường, giã từ chị ra về lòng thật vui vì đã giúp đở được một người khốn khổ. Chị chấp tay tạ ơn vị cư sĩ.
Tuấn nhìn dáng mẹ tiều tụy lòng rộn lên niềm thương cảm. Những tưởng khi ra đi Tuấn mong giảm được gánh nặng cho mẹ và tìm kiếm một việc làm ổn định để giúp mẹ phụ lo cho em gái ăn học. Ai ngờ lại làm cho mẹ khổ thêm, Tuấn thật ân hận.  Chị nhìn sâu vào ánh mắt Tuấn giọng quyết liệt:
  - Mẹ đã tìm con suốt từ lúc con ra đi đến nay. Con hãy về nhà, nếu con không về, mẹ sẽ ở đây với con, mẹ không đi đâu hết.    
    Tuấn rơm rớm nước mắt. Tự hứa với lòng từ nay không làm điều gì làm mẹ khổ nữa. Tuấn thu xếp cùng mẹ về nhà. Năm ấy mẹ làm đơn xin trường cho Tuấn nghỉ học, lưu ban. Tuấn xin một chân phụ hồ ở gần nhà đở dần cho mẹ.
    Cơn dông tố gia đình đã qua. Tuấn giờ có vẻ thuần hậu ra dáng người lớn. Những việc nặng như xách nước bửa củi nó dành làm hết, tối còn dạy kèm cho em gái học. Lòng chị ấm áp. Ừ thôi, cho nó phụ hồ cái nghề nó cũng quen khi ở Sài Gòn, chứ để nó ăn không ngồi rồi sinh nghĩ quẩn. Nó hứa năm sau đi học tiếp, chị an lòng trở lại bán vé số.
   Thời gian sau, vào buổi sáng khi đang vào hàng cà phê ven sông mời khách , chị giật mình khi nghe tiếng gọi.
   - Phải Thương không ?
     Chị quay lại sững sờ, rồi rảo bước đi nhanh như trốn chạy.
      Người đàn ông, bật dậy chạy lại nắm tay Thương.
  - Thương,.. sao bỏ đi, Huân đây mà.
    Thương dấu vội vé số vào túi nhưng lúng túng để sấp vé rơi vãi xuống đường. Chị lật đật cúi nhặt, người đàn ông cũng cúi xuống lượm giúp.
   - Thôi đưa đây, tôi mua hết sấp này.
   - Tôi không bán cho anh, anh đi đi … Thương tất tả bỏ đi.
     Chiều tối về nhà một vị khách đã chờ sẵn, bất đắc dĩ chị mời vào nhà, giọng run run.
     Huân người bạn học chung thời trung học, nhà nghèo, tốt nghiệp phổ thông, Huân nghỉ học, theo nghề thợ mộc kiếm sống và phụ gia đình. Huân rất yêu Thương một mối tình đơn phương, thầm lặng. Thương thi đổ đại học, học đến năm thứ hai Thương gặp Nam , một sinh viên cùng quê, năng động, học trên Thương hai lớp. Một tình yêu như sét đánh, hai người đến với nhau say mê cuồng nhiệt, như đôi uyên ương không thể chia lìa. Nam ra trường, cũng là lúc Thương phải bỏ dở việc học. Tình yêu thời sinh viên với những đắm say đầy hiến dâng của tuổi trẻ, đã ươm mầm một bào thai không mong đợi. Nam và Thương tiến đến hôn nhân mà cả hai chưa kịp chuẩn bị. Cũng may Nam đã tìm được việc làm, kế toán một xưởng gỗ mỹ nghệ. Dần dần họ dành dụm xây được một căn nhà nhỏ. Hai đứa con lần lượt chào đời, Thương trở thành một người vợ một người mẹ tối ngày quanh quẩn việc nhà chăm sóc chồng con.
    Nhờ có năng lực và hoạt bát một thời gian sau Nam được thăng chức quản đốc một xưởng chế biến gỗ đặt tại Phước Long. Lúc đầu mỗi tuần Nam đều về với Thương và con. Nhưng về sau thưa dần. Từ đó Nam dần dần rời xa gia đình. Những năm tháng ở nhà nuôi con chờ chồng mòn mỏi, Thương đi đến một quyết định, khi biết Nam đã sống như vợ chồng với một phụ nữ nơi Nam công tác. Nam thú nhận xin tha thứ, mong Thương cho Nam có thêm người thứ hai. Thương dứt khoát ly hôn dù đau khổ muôn bề.
     Từ đó một thân một mình chị cắn răng tìm việc nuôi con và số phận đưa đẩy chị vào nghề bán vé số.
   - Mời anh Huân vào nhà, Linh ơi có khách .
   - Con hãy chào bác Huân. Đây là đứa con thứ hai của tôi .
   - Hồi sáng này sao Thương bỏ đi một nước vậy. Gặp Thương tôi mừng quá.
        Thương lảng tránh câu trả lời, hỏi lại Huân:
   - Dạo này cuộc sống anh sao? được mấy cháu rồi?
   - Một cháu trai, không ngờ Thương ở trong hoàn cảnh như vầy.
   - Không sao, tôi đã quen rồi, cảm ơn anh. Thế gia đình anh thế nào ? bác khỏe không ?    
   - Ba tôi đã mất rồi. Khi Thương lập gia dình, tôi rất buồn, một năm sau tôi cưới vợ do người quen mai mối. Tôi và cô ấy như nước với lửa, gây gổ nhau luôn. Hơn năm nay chúng tôi đã ly thân ai làm việc nấy. Tôi về sống với má, để nhà và chu cấp tiền cho mẹ con nó sống.
     - Anh hãy cố gắng hàn gắn lại với chị, đổ vỡ khổ lắm.
     - Chúng tôi đến với nhau không tình yêu, đó là một sai lầm. Anh Nam có phụ Thương nuôi con không?
     - Không , tôi không muốn nhận gì của ảnh hết.
        Rồi chị nói nhanh:
- Cảm ơn anh đến thăm, nhưng từ nay anh đừng đến nữa. Anh nên về về với chị, đừng bỏ con, mang tội. 
     Trước thái độ thẳng thắn của Thương, Huân đành ra về.
    Từ ngày gặp lại Thương, lòng Huân rộn lên những rung động thuở nào. Hoàn cảnh Thương không làm Huân e ngại mà còn khiến Huân thêm thương cảm. Mình mong mang lại hạnh phúc cho Thương, Thương đã đau khổ quá nhiều, Huân quyết ly hôn.
    Rất nhiều lần anh đón Thương về mời đi ăn để có dịp tâm sự. Thương luôn từ chối khéo phải về nhà lo cho con. Khi thấy Huân chờ đón mãi,Thương phải tìm lối đi khác về nhà .
   Qua bao biến động cuộc đời, lòng Thương đã nguội lạnh. Mối tình đầu xốc nổi với Nam đã hủy hoại bao ước mơ lý tưởng thời tuổi trẻ. Thương thật ân hận, tại sao không biết giữ mình, tập trung cho việc học để tốt nghiệp. Mộng ước của Thương đâu chỉ dừng ở bậc đại học mà còn cao hơn. Thế mà chỉ vì yêu thương quá, không biết kiềm chế, bao hoài bão chôn vùi. Cũng có điều an ủi, Nam cũng yêu Thương thật lòng nên đã làm đám cưới khi biết Thương mang thai, chứ nếu gặp kẻ sở khanh Thương chỉ biết tự vẫn mà chết. Nhưng tâm tính lòng dạ con người không lường trước được, sự tham lam của Nam, Thương không thể chấp nhận, cương quyết cắt đứt nghĩa vợ chồng. Mình sẽ sống như vầy suốt đời. Cuộc đời mình chỉ còn lo cho hai con ăn học nên người. Phải dạy chúng biết ước mơ lý tưởng, biết đúng sai phải trái, không vấp phải sai lầm như mình. Mình không thực hiện được nguyện ước, giờ hãy sống vì con. Tuy bán vé số nhưng trong nhà chị cũng có sách báo, tạp chí. Chị dành tiền mua mỗi ngày một tờ báo. Lâu lâu đến hiệu sách cũ tìm mua những loại sách Tâm hồn cao thượng, sách Học làm người,… dần hình thành thói quen đọc sách cho hai con.
     Thương càng lẩn tránh, Huân không nản lòng mà đeo đuổi tới cùng. Biết tin hai con Thương thi đổ đại học, Huân nể phục hơn và quyết chinh phục cho bằng được.
     Chiều tối đó Huân âm thầm theo Thương, Thấy Thương đi bộ Huân mừng lắm, hy vọng thuyết phục được Thương lên xe rồi chở đi ăn, báo cho biết Huân đã nộp xong đơn ly hôn.
    Vừa bước chân khỏi quán bắt đầu đi bộ về nhà, bữa nay xe đạp hư, chị để xe ở nhà nhờ Tuấn sửa giúp. Đôi chân mỏi nhừ, bụng đói.
    Gặp Huân chờ sẳn, lòng Thương nao nao, tâm hồn như mặt nước phẳng lặng gợn sóng.
   - Thương, lên xe tôi chở, mình đi ăn cái gì đi, có việc quan trọng muốn nói với Thương.
      Vẫn như những lần trước Thương nhã nhặn từ chối, lẳng lặng bước đi. Huân chầm chậm theo năn nỉ:
    - Trời tối rồi, đường xa lên xe tôi chở về một bữa, tôi chờ Thương lâu lắm rồi.
   - Cám ơn anh Huân, anh về trước đi.
     Huân vẫn không về : - Tôi sẽ theo Thương riết, tôi đã nộp đơn ly hôn rồi. Thương đi với tôi một bữa đi mà.
   - Thôi được, anh chở tôi đến quán cà phê phía trước, mình nói chuyện.
    Không ngờ Thương đồng ý Huân khấp khởi mừng. Đưa Thương vào quán, lựa một bàn khuất phía trong, Huân vồn vã:
  - Thương uống gì, cam vắt cho khỏe nhen. Sao không đi ăn cái gì cho vững bụng, chiều giờ tôi có ăn gì đâu.
      Đã lâu không được người đàn ông nào săn đón, nhìn tay Huân cầm mụổng khuấy đều ly cam rồi mời, Thương lặng người. Thương uống một ngụm nước, nghe vị chua ngọt dịu mát thắm vào tan cả mệt nhọc.
     Huân tâm sự với Thương tình cảm của mình bấy lâu nay, cố nói thật tha thiết, khẳng định chắc chắn việc nộp đơn xin ly hôn, mong Thương đến với mình. Nói xong Huân hồi hộp chờ đợi, từ tốn nắm nhẹ tay Thương.
    Thương bồi hồi xúc động, muốn giây phút này ngưng đọng, kéo dài…, nhưng thực tế cuộc sống hiện về, hiển hiện. Không. Thương lắc đầu như bừng tỉnh.
          Nhìn sâu vào mắt Huân, Thương nhỏ nhẹ nói:
   - Nghe anh nộp đơn ly hôn, tôi thấy cần nói chuyện chân thành với anh. Cám ơn tình cảm anh dành cho Thương bấy lâu nay. Nhưng anh có biết đổ vỡ gia đình khổ đau biết dường nào không ? Chuyện gia đình anh tôi không thể can thiệp, chỉ mong anh suy xét cẩn trọng.
        Thương dừng lại, rồi nói quả quyết:
 - Cũng nói cho anh hiểu, tôi sống vậy nuôi con, không có ý định lập gia đình với bất kỳ ai. Hãy giữ cho nhau sự quí mến, là quí lắm rồi. Thôi trời tối rồi, cảm ơn anh, tôi đi bộ về nhà được rồi.
        Nói xong Thương lẳng lặng đứng dậy bước vội ra quán, đi thật nhanh ./.
                                                        Phương Danh
(Cám ơn chị Chontinhtam đã làm giúp phông nền).

Diễn đọc
"Người mẹ" hân hạnh được chị Chontinhtam đồng cảm bỏ nhiều công sức diễn đọc, tôi thật xúc động. Chân thành cảm ơn Chontinhtam.

Phần 1

Phần 2


Phần 3

Đây là những kỷ niệm về Tình bạn quí  trên không gian Blog, tôi không bao giờ quên. Cám ơn Chontinhtam nhiều lắm.
                                              Phương Danh







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét