Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Cáo tật thị chúng

      Cảm nhận bài thơ:
               CÁO TẬT THỊ CHÚNG
                        Mãn Giác thiền sư.
   Mỗi độ xuân về, trong không khí se lạnh, nhìn những nụ mai đang chớm nở tôi nhớ về sức sống của một nhành mai trong bài thơ “Cáo tật thị chúng” của thiền sư Mãn Giác, đời Lý. Trải qua gần một ngàn năm, bài thơ Thiền này đã được nhiều học giả nghiên cứu, chú giải nhưng chưa ai có thể khẳng định đã hiểu hết được tinh thần, nội dung thâm thúy của bài thơ.
Không là một Phật tử, không thông hiểu về Thiền tôi lại càng không thể phân tích, bình luận thơ Thiền. Nhưng bài thơ thật sự mang đến cho tôi, một người trần tục, sự rung động về vẻ đẹp tâm hồn con người, vẻ đẹp thơ ca thuần túy. Xin mạo muội ghi lại cảm nhận.
                  
     CÁO TẬT THỊ CHÚNG
  Xuân khứ bách hoa lạc
  Xuân đáo bách hoa khai
  Sự trục nhãn tiền quá
  Lão tòng đầu thương lai
  Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
  Đình tiền tạc dạ nhất chi mai./.  
              
     Dịch nghĩa:
           
Có bệnh báo với mọi người
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Sự đời diễn qua nhanh trước mắt
Trên đầu, cái già ngự trị
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm hôm qua, trước sân nở một cành mai.
     
   “Cáo tật thị chúng” đúng ra là một bài kệ có vần điệu, các vị Thiền sư đọc cuối buổi thuyết pháp để tóm tắt hay nhấn mạnh nội dung kinh Phật vừa giảng cho đệ tử. Bài kệ này Thiền sư Mãn Giác nói với đệ tử khi lâm bệnh nặng, tuy ngắn nhưng thật hàm xúc vượt lên tinh thần của một bài kệ, bay bổng thành một bài thơ lưu truyền đến ngày nay.
  Là Thiền sư tâm hồn luôn an trú trong hư không tĩnh lặng, thấu hiểu qui luật muôn đời của tạo hóa, thấu hiểu qui luật đời người, luôn chịu sự chi phối của vòng luân hồi sinh, lão, bệnh, tử.
            
    Xuân qua trăm hoa rụng
    Xuân đến trăm hoa nở
    Sự đời diễn qua nhanh trước mắt,
   Trên đầu cái già đến rồi.
    
Theo con đường của Phật, giải thoát khỏi những tục lụy, lục dục thất tình, xem đời người là cõi tạm, là ảo ảnh, có đó rồi mất đó “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô ”. Nhưng ta hãy lắng nghe, trong câu thơ dường  như có lời than thở:
                            
     Sự trục nhãn tiền quá.
     Lão tòng đầu thương lai.
    
  Sự đời qua nhanh trước mắt, tuổi già đã đến rồi. Trong tác giả như có một sự nuối tiếc đời người sao ngắn ngủi quá, phải không? Một cảm xúc rất thật, rất người. Đó là tâm lý chung của con người khi nhìn lại quãng đời đã qua.
    Cảm xúc tinh tế, thấu thị của Thiền sư còn đọng lại trong câu thơ tuyệt diệu:
            
 Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
 Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Đừng nghĩ  xuân tàn hoa rụng hết,
 Đêm qua sân trước một cành mai
   
  Thiểu nghĩ phải là một Thiền sư giác ngộ, hiểu được sự khôn cùng, vi diệu của tạo hóa đồng thời phải là một con người yêu tha thiết cuộc sống nhân gian mới ghi được hai câu thơ tuyệt mỹ như thế. Một nhành mai nở giữa cảnh xuân tàn, mấy ai để ý, nhưng dướí huệ nhãn của Thiền sư, nhành mai bổng hiện lên đẹp phi thường. Tác giả dùng từ “tạc dạ” rất hay rất đắc, có nghĩa khắc vào đêm, làm tôn lên vẻ đẹp sự nổi bật của nhành mai giữa đêm đen. Cho đến nay vẫn chưa một dịch giả nào có thể lột tả được hết vẻ đẹp này đúng như nguyên tác.
   
  Về ý thơ, ở khổ thơ đầu tác giả khẳng định một qui luật : xuân đến hoa nở, xuân đi hoa tàn . Ở khổ thơ cuối, tác giả đặt lại vấn đề có vẻ trái với qui luật vừa khẳng định : không  đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua một cành mai vẫn nở, nở thật đẹp, thật nổi bật giữa màn đêm u tối. Biết bao nhiêu thần ý thể hiện trong hai câu thơ này, NHẤT CHI MAI trở thành một hình tượng bất tử.
   Phải chăng do cảm nhận được thông điệp sâu xa của bài thơ “Cáo Tật thị chúng”, năm 1967 nhân lễ Phật Dản 2511, giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã lập lễ đài Hòa Bình tam cấp tại chùa Ấn Quang, cử hành trọng thể một tuần lễ Hòa Bình cho Việt Nam. Nhất Chi Mai, một nữ Phật tử, đã dũng cảm hy sinh thân mình tự thiêu làm ngọn đuốc sống kêu gọi hòa bình. Phải chăng hình tượng nhành mai nở giữ đêm xuân tàn trong "Cáo tật thị chúng" đã thôi thúc Nhất Chi Mai làm ngọn đuốc soi sáng sự vô mình của con người gây hận thù chiến tranh.Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã cảm xúc trước sự hy sinh cao cả của Nhất Chi Mai đã sáng tác bài thơ “Lửa, lửa và lửa” trong đó có hai câu thơ kết:
          
Sáng trưng Hỏa Lệnh, bồ câu trắng
 Sẽ đốt Thời Gian mở lối về.
   
  Từ một bài kệ mang tính giáo lý, “Cáo tật thị chúng” bay bổng cảm xúc hoá thân thành một bài thơ, gợi mở bao ý tưởng cao đẹp cho người đời sau, lưu truyền gần một ngàn năm. Tác giả, một Thiền sư trở thành thi nhân. Phải chăng đó chính là tầm vóc của một nhà sư đã sống dung hợp giữa đạo và đời, giữa Thiền sư và thi sĩ. Đó là đỉnh cao tư tưởng của Phật Giáo Việt Nam thời Lý : nhập thế./.
                                                                                                          Phương Danh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét