Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Chiếc lá rơi, cảm xúc suy tư.

 Chiếc lá rơi

         Hình ảnh chiếc lá rơi gợi cảm giác buồn khôn tả. Khi lìa cành màu lá vàng úa, rơi xuống đất chấm dứt sự sống. 

    Tôi đã từng xúc động khi đọc bài thơ ‘’Tiếng thu’’*của Lưu Trọng Lư. Âm thanh mùa thu mơ hồ ngân trong tâm tưởng, tiếng lá thu rơi tiếng lòng người cô độc miên man giai điệu buồn. Có chú nai vàng ngơ ngác không hiểu vì sao bước chân vang lên xào xạc khi giẫm lên thảm lá vàng khô, đẹp lãng mạn. Và người cô phụ mòn mỏi chờ chồng đi chinh chiến không hẹn ngày trở lại, thổn thức. Một bài thơ diễm tuyệt, những chiếc lá sống động tạo nên hình ảnh âm thanh rất riêng, rất đặc sắc về mùa thu.
    
Nhưng đó chỉ là những chiếc lá vàng khô rơi rụng không còn sự sống.
   
Vào vườn blog của chị GàCon, một khu vườn trang nhã nhiều cây xanh bóng mát.Trong tản văn ‘’Thu mưa’’ tôi bất chợt gặp một chiếc lá đặc biệt, chiếc lá ấy khác hẳn những lá thu đang rơi, khác hẳn những cảm nhận thông thường. Đó là một chiếc lá vừa lìa cành, không mỏng manh, không tủi phận vắn số, lá ung dung tự tại tạm biệt trời xanh bắt đầu một cuộc du hành. Đó là chiếc lá thu trong bài thơ tứ tuyệt:
                   
              Một chiếc lá lìa cành,
              Thôi tạm biệt trời xanh.
              Em về nương đất mẹ,
               Đủ duyên lại vận hành.
      
     Tôi thẳng thốt khi đọc tứ thơ này, một xúc động sâu lắng những nghĩ suy. Bài thơ cô đọng, phong cách cổ điển nhưng trẻ trung giàu sức sống. Một chiếc lá rơi rụng, khô chết nhưng hồn thơ không bi lụy mà an nhiên. Bài thơ ngắn chỉ bốn câu năm chữ nhưng ý thơ mênh mông. Đặc sắc nhất ngôn ngữ diễn đạt, mỗi từ ngữ được chắc lọc dung dị dễ hiểu, không cường điệu, nhưng sâu sắc gợi cảm.

    Một chiếc lá lìa cành: câu nhập đề trực tiếp thật tự nhiên,chiếc lá lìa cành chứ không rụng không rơi như ngàn lá thu khác, như chiếc lá vẫn còn sự sống.

   Thôi tạm biệt trời xanh: Sao không là vĩnh biệt mà chỉ là tạm biệt !?  ý nghĩa không phải vĩnh viễn rời xa.
Từ "trời xanh" được dùng thật đẹp, vừa hiện thực vừa hàm ý, câu thơ sáng lên, một không gian xanh trong mênh mông với bao điều huyền diệu.

   Em về nương đất mẹ: Câu thơ nhẹ nhàng được nhân cách hóa bằng những từ ngữ rất nghệ thuật với tiếng Em thân thiết, tiếng Mẹ chứa chan yêu thương. Lá không rụng xuống đất mà lá về với mẹ, nơi lá được sinh ra  được dưỡng nuôi. Vâng  đất mẹ  là nơi tất cả những xác thân đều sẽ trở về.

   Ý thơ gợi mở một cái nhìn tích cực về sự diệt vong qua hình ảnh chiếc lá. Thông thường chiếc lá lìa cành là chấm dứt sự sống, xác lá rơi xuống đất chịu sự phân hủy. Nhưng trong bài thơ này hành trình ấy không là sự hủy diệt mà chỉ là một chuyến đi rồi sẽ trở về. Tạm biệt nhé trời xanh, em về thăm đất mẹ để được mẹ yêu thương tiếp thêm sinh lực, rồi em sẽ trở lại. Một chồi xanh mơn lớn lên thành chiếc lá, khỏe khoắn trẻ trung đón nắng ban mai, chào tái ngộ trời xanh. Thật vậy câu kết đã nói lên điều vi diệu ấy: Đủ duyên lại vận hành.
    Tôi không ghi tên tác giả ngay dưới bài thơ để chúng ta cảm nhận hết vẻ đẹp của một bài thơ thuần túy, không bị ám thị bởi hệ ý thức người sáng tác. Nhưng câu kết bài thơ thể hiện rất rõ ngôn ngữ ý niệm Phật pháp. Vâng đây là bài thi kệ của thầy Thích Minh Mẫn, một vị Giáo thọ Làng Mai, nước Pháp, thuộc Tăng đoàn của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Bài thơ được thầy Minh Mẫn cảm hứng sáng tác vào mùa thu năm 2006 sáng ngời tinh thần giải thoát của đạo Phật. Hình ảnh chiếc lá rơi được Thầy thể hiện sáng tạo giàu sức sống. Theo Đạo Phật, mọi pháp đều do duyên hợp mà thành. Không có gì sinh ra mà không mất đi,  chỉ biểu hiện ở dạng này hay dạng khác, vạn sự do tùy duyên mà thành. Sự sống không mất đi, sự sống luôn tiếp diễn khi ở dạng này khi ờ dạng khác(**) tạo thành vòng tuần hoàn Sinh - Diệt bất tận.  Đời chỉ là cõi tạm, xác thân là giả lập hư ảo. Đối với người thấm nhuần giáo lý đạo Phật cái chết thật nhẹ nhàng, họ an nhiên đón nhận.
  Thầy Thích Minh Mẫn mượn hình ảnh chiếc lá lìa cành để chuyển tải thông điệp của đạo Phật về lẽ Tồn - Vong Sinh - Diệt bằng ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc và thật thuyết phục. Đọc thơ ta thêm yêu quí cuộc đời, hiểu được qui luật muôn đời, mạch nguồn sự sống.
    Xin nói thêm, bài thơ”Tiếng thu” của nhà thơ Lưu Trọng Lưu được đưa vào đầu bài viết chủ ý để thấy được sự tương phản thẩm mỹ về hình ảnh chiếc lá, hoàn toàn tôi không có ý so sánh sự hay dở hay cao thấp giữa hai bài thơ. Mỗi bài thơ đều có dời sống riêng giá trị thưởng ngoạn cũng khác nhau. “Tiếng thu” cảm xúc hướng về dời sống nhân thế. Thơ thầy Minh Mẫn cảm xúc hướng đến đời sống tâm linh. Mỗi tác phẩm có giá trị nghệ thuật dù nhân thế hay tâm linh đều quí cho con người./.
                                                                      
 Chú thích: 

(*)            * Tiếng thu
      Em không nghe mùa thu
      Dưới trăng mờ thổn thức ?
      Em không nghe rạo rực
      Hình ảnh kẻ chinh phu
      Trong lòng người cô phụ
      Em không nghe rừng thu
      Lá thu kêu xào xạc,
      Con nai vàng ngơ ngác
      Đạp trên lá vàng khô./.
               Lưu Trọng Lư
     
(**) Những thông tin về bài thơ và kiến giải về đạo Phật được chị GàCon giúp.

                   Phương Danh 

,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét