Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Chiếc lá rơi, cảm xúc suy tư.

 Chiếc lá rơi

         Hình ảnh chiếc lá rơi gợi cảm giác buồn khôn tả. Khi lìa cành màu lá vàng úa, rơi xuống đất chấm dứt sự sống. 

    Tôi đã từng xúc động khi đọc bài thơ ‘’Tiếng thu’’*của Lưu Trọng Lư. Âm thanh mùa thu mơ hồ ngân trong tâm tưởng, tiếng lá thu rơi tiếng lòng người cô độc miên man giai điệu buồn. Có chú nai vàng ngơ ngác không hiểu vì sao bước chân vang lên xào xạc khi giẫm lên thảm lá vàng khô, đẹp lãng mạn. Và người cô phụ mòn mỏi chờ chồng đi chinh chiến không hẹn ngày trở lại, thổn thức. Một bài thơ diễm tuyệt, những chiếc lá sống động tạo nên hình ảnh âm thanh rất riêng, rất đặc sắc về mùa thu.
    
Nhưng đó chỉ là những chiếc lá vàng khô rơi rụng không còn sự sống.
   
Vào vườn blog của chị GàCon, một khu vườn trang nhã nhiều cây xanh bóng mát.Trong tản văn ‘’Thu mưa’’ tôi bất chợt gặp một chiếc lá đặc biệt, chiếc lá ấy khác hẳn những lá thu đang rơi, khác hẳn những cảm nhận thông thường. Đó là một chiếc lá vừa lìa cành, không mỏng manh, không tủi phận vắn số, lá ung dung tự tại tạm biệt trời xanh bắt đầu một cuộc du hành. Đó là chiếc lá thu trong bài thơ tứ tuyệt:
                   
              Một chiếc lá lìa cành,
              Thôi tạm biệt trời xanh.
              Em về nương đất mẹ,
               Đủ duyên lại vận hành.
      
     Tôi thẳng thốt khi đọc tứ thơ này, một xúc động sâu lắng những nghĩ suy. Bài thơ cô đọng, phong cách cổ điển nhưng trẻ trung giàu sức sống. Một chiếc lá rơi rụng, khô chết nhưng hồn thơ không bi lụy mà an nhiên. Bài thơ ngắn chỉ bốn câu năm chữ nhưng ý thơ mênh mông. Đặc sắc nhất ngôn ngữ diễn đạt, mỗi từ ngữ được chắc lọc dung dị dễ hiểu, không cường điệu, nhưng sâu sắc gợi cảm.

    Một chiếc lá lìa cành: câu nhập đề trực tiếp thật tự nhiên,chiếc lá lìa cành chứ không rụng không rơi như ngàn lá thu khác, như chiếc lá vẫn còn sự sống.

   Thôi tạm biệt trời xanh: Sao không là vĩnh biệt mà chỉ là tạm biệt !?  ý nghĩa không phải vĩnh viễn rời xa.
Từ "trời xanh" được dùng thật đẹp, vừa hiện thực vừa hàm ý, câu thơ sáng lên, một không gian xanh trong mênh mông với bao điều huyền diệu.

   Em về nương đất mẹ: Câu thơ nhẹ nhàng được nhân cách hóa bằng những từ ngữ rất nghệ thuật với tiếng Em thân thiết, tiếng Mẹ chứa chan yêu thương. Lá không rụng xuống đất mà lá về với mẹ, nơi lá được sinh ra  được dưỡng nuôi. Vâng  đất mẹ  là nơi tất cả những xác thân đều sẽ trở về.

   Ý thơ gợi mở một cái nhìn tích cực về sự diệt vong qua hình ảnh chiếc lá. Thông thường chiếc lá lìa cành là chấm dứt sự sống, xác lá rơi xuống đất chịu sự phân hủy. Nhưng trong bài thơ này hành trình ấy không là sự hủy diệt mà chỉ là một chuyến đi rồi sẽ trở về. Tạm biệt nhé trời xanh, em về thăm đất mẹ để được mẹ yêu thương tiếp thêm sinh lực, rồi em sẽ trở lại. Một chồi xanh mơn lớn lên thành chiếc lá, khỏe khoắn trẻ trung đón nắng ban mai, chào tái ngộ trời xanh. Thật vậy câu kết đã nói lên điều vi diệu ấy: Đủ duyên lại vận hành.
    Tôi không ghi tên tác giả ngay dưới bài thơ để chúng ta cảm nhận hết vẻ đẹp của một bài thơ thuần túy, không bị ám thị bởi hệ ý thức người sáng tác. Nhưng câu kết bài thơ thể hiện rất rõ ngôn ngữ ý niệm Phật pháp. Vâng đây là bài thi kệ của thầy Thích Minh Mẫn, một vị Giáo thọ Làng Mai, nước Pháp, thuộc Tăng đoàn của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Bài thơ được thầy Minh Mẫn cảm hứng sáng tác vào mùa thu năm 2006 sáng ngời tinh thần giải thoát của đạo Phật. Hình ảnh chiếc lá rơi được Thầy thể hiện sáng tạo giàu sức sống. Theo Đạo Phật, mọi pháp đều do duyên hợp mà thành. Không có gì sinh ra mà không mất đi,  chỉ biểu hiện ở dạng này hay dạng khác, vạn sự do tùy duyên mà thành. Sự sống không mất đi, sự sống luôn tiếp diễn khi ở dạng này khi ờ dạng khác(**) tạo thành vòng tuần hoàn Sinh - Diệt bất tận.  Đời chỉ là cõi tạm, xác thân là giả lập hư ảo. Đối với người thấm nhuần giáo lý đạo Phật cái chết thật nhẹ nhàng, họ an nhiên đón nhận.
  Thầy Thích Minh Mẫn mượn hình ảnh chiếc lá lìa cành để chuyển tải thông điệp của đạo Phật về lẽ Tồn - Vong Sinh - Diệt bằng ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc và thật thuyết phục. Đọc thơ ta thêm yêu quí cuộc đời, hiểu được qui luật muôn đời, mạch nguồn sự sống.
    Xin nói thêm, bài thơ”Tiếng thu” của nhà thơ Lưu Trọng Lưu được đưa vào đầu bài viết chủ ý để thấy được sự tương phản thẩm mỹ về hình ảnh chiếc lá, hoàn toàn tôi không có ý so sánh sự hay dở hay cao thấp giữa hai bài thơ. Mỗi bài thơ đều có dời sống riêng giá trị thưởng ngoạn cũng khác nhau. “Tiếng thu” cảm xúc hướng về dời sống nhân thế. Thơ thầy Minh Mẫn cảm xúc hướng đến đời sống tâm linh. Mỗi tác phẩm có giá trị nghệ thuật dù nhân thế hay tâm linh đều quí cho con người./.
                                                                      
 Chú thích: 

(*)            * Tiếng thu
      Em không nghe mùa thu
      Dưới trăng mờ thổn thức ?
      Em không nghe rạo rực
      Hình ảnh kẻ chinh phu
      Trong lòng người cô phụ
      Em không nghe rừng thu
      Lá thu kêu xào xạc,
      Con nai vàng ngơ ngác
      Đạp trên lá vàng khô./.
               Lưu Trọng Lư
     
(**) Những thông tin về bài thơ và kiến giải về đạo Phật được chị GàCon giúp.

                   Phương Danh 

,

Tao ngộ

 
    Tao ngộ
      “ - Internet mông lung hư ảo
      Diệu kỳ, mình gặp nhau. ”
      Từ nửa vòng trái đất
      Người về mùa Vu lan
      Ngày tao ngộ 
      nhìn nhau như thân thiết bao giờ. 

      Đưa em viếng ngôi chùa cổ kính

      Đức Phật nằm an lạc trên cao
      Hiển hiện giữa trời xanh mây trắng
      Em cúi đầu chắp tay, chiêm bái. 
      Cội tha-la hoa vô-ưu đang nở 
      Nhớ câu thơ trên blog thuở nào.
      Đưa em vào lễ Phật,
      Khói trầm hương phảng phất
      Em quì thành tâm khấn nguyện
      Bên đài sen dâng hương. 
                          
      Ta gặp nhau thật là bình dị
      Đồi tích Phật hàn huyên tâm sự
      Uống nước dừa thanh mát vị quê hương 
      Tiệc chay mùa an cư kiết hạ 
      Duyên lành đón khách ly hương.

      Tiễn em lên xe 

      Không hẹn ngày gặp lại
      Bất ngờ em cầm tay 
      Chuyền trao vòng hạt niệm 
      Bồi hồi tôi đứng lặng  
      Xe vụt qua xa dần  
      Khoảnh khắc là mãi.../.  
                  Phương Danh









                                             

Trở lại câu lạc bộ


Trở lại câu lạc bộ
     Những tưởng tôi đã rời xa câu lạc bộ không ngày trở lại. Ngày ấy, khoảng bảy năm, cơn đau tim bất ngờ ập đến ngỡ phải từ giã anh em, từ giã cõi đời. May mắn phần số chưa hết tôi qua cơn nguy kịch, nhưng phải sống những ngày tháng thoi thóp chờ đợi ngày ra đi. Lúc ấy cơ thể tôi suy kiệt đến thảm hại, anh em đến thăm ai cũng lắc đầu.
   Bảy năm ròng tôi chiến đấu quyết liệt với bệnh đau, khi hy vọng lúc tuyệt vọng theo từng diễn biến thất thường của bệnh. Nhờ bác sĩ tận tâm, tuy khám diện Bảo hiểm y tế tôi vẫn được điều trị tích cực. Phần cũng nhờ tôi tìm hiểu nghiên cứu các phương pháp rèn luyện năng lực tinh thần, tôi kiên trì thiển định tĩnh tâm. Rồi mỗi sáng ở nhà tự tập những bài thể dục dưỡng sinh. Tất cả đã giúp tôi phục hồi thể lực, bệnh tim tuy không hết nhưng sức khỏe dần ổn định.
   Tôi trở lại câu lạc bộ trong niềm vui khôn tả như được hồi sinh. Một sự hồi sinh tinh thần, tôi không còn bi quan ám ảnh về bệnh tật, về cái chết nữa, dù bây giờ mắc thêm vài căn bệnh mãn tính nguy hiểm. Tôi thấu hiểu qui luật đời người, - Sinh - Lão - Bệnh - Tử, nên chấp nhận hoàn cảnh an nhiên mọi sự. Tôi vẫn tiếp tục chiến đấu với bệnh, luôn tìm hiểu cập nhật kiến thức về sức khỏe, tích cực điều trị, sống đời dưỡng sinh vui cùng anh em trong câu lạc bộ.
    Câu lạc bộ tôi nói đấy là câu lạc bộ dưỡng sinh của một khu phố. Một Câu lạc bộ đúng với nghĩa dưỡng sinh nhất. Là nơi một số người lớn tuổi đến rèn luyện sức khỏe. Mỗi sáng lúc năm giờ, mọi người tề tựu đông dủ, trong một giờ tập rất nhiều bài thể dục phù hợp nhẹ nhàng vận động toàn diện. Chúng tôi hăng say tập theo khẩu lệnh nhịp nhàng trên nền nhạc vui tươi thúc dục. 
   - Khởi đầu là những động tác khởi động, đánh thức từng bộ phận cơ thể. 
  - Tiếp theo là những bàì thể dục căn bản: Bài thể dục năm sáu động tác của Bs Nguyễn Văn Hưởng, kế tiếp nâng cao dần cường độ tập tiếp một bài gậy ngắn, xong tập đến hai bài gậy dài.
 Mọi cơ, mỗi cơ quan,các khớp xương đều vận động. Dòng máu nóng đầy dưỡng khí  buổi ban mai trong lành luân chuyển toàn thân đến từng tế bào, tiếp thêm năng lượng. Tập những bài thể dục căn bản thời gian khoảng 30 phút. Sau đó nghỉ ngơi thư giản khoảng 10 phút.
 Còn lại 20 pht chúng tôi luân phiên tập những bài bài khí công, thái cực quyền, voga, .... những động tác uyển chuyển như múa, thật chậm, thật nhẹ nhàng kết hợp điều hòa hơi thở, có tác dụng định tâm dưỡng khí tiếp thêm năng lượng.
  Những bài thể dục dưỡng sinh được nghiên cứu phù hợp với tâm sinh lý, sức khoẻ người lớn tuổi,khoa học hiệu quả. Có huấn luyện viên chuyên nghiệp  hướng dẫn. Ban chủ nhiệm, những anh chị đi trước, là những ngưởi nhiệt tình, giỏi kỹ thuật luôn tận tâm hướng dẫn, chỉnh sửa những động tác sai.
    Không chỉ tập thể dục, câu lạc bộ còn những hoạt động bổ ích khác như ca hát, đọc báo, du lịch, hội diễn,công tác xã hội,v.v… Trong câu lạc bộ khi anh em bị bệnh hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn, anh em đến thăm động viên giúp đở. 
Xong giờ thể dục chúng tôi còn quyến luyến rủ nhau đến quán uống cà phê ăn sáng thật đông vui, hằng mấy mươi người riêng một góc quán, khi thì tự trả khi thì được người chiêu đãi. Câu lạc bộ có những người rộng rãi thích bao anh em như thế. Còn có  những MạnhThường Quân hào phóng tài trợ tiền đi du lịch hoặc mỗi năm trang bị đồng phục dưỡng sinh cho cả câu lạc bộ, có thợ đến đo may vừa vặn từng người.
    Nhờ sống dưỡng sinh sức khỏe chúng tôi tăng lên, cơ thể nâng cao sức đề kháng, giảm được bệnh đau. Những bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, thoái hóa đốt sống, thấp khớp,v.v…tuy không hết nhưng cũng dần được cải thiện, giảm được sự tiến triển của bệnh, giảm dần cơn đau hành hạ sống an vui với bệnh tật.
  Chúng tôi xây dựng được một tập thể gắn bó yêu thương, cùng giúp nhau rèn luyện thân thể, sống lạc quan yêu đời, động viên nhau chiến đấu với bệnh tật với tuổi già. Câu lạc bộ là một tập thể nhiều thành phần, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, không phân biệt giàu nghèo hay địa vị xã hội, không phân biệt tôn giáo,… sống với mục đích dưỡng sinh là chính. Có thể nói câu lạc bộ là gia đình thứ hai, là mái ấm chung ai cũng muốn góp bàn tay vun đắp. Có nhiều anh chị đã gắn bó mười mấy mấy năm, từ ngày thành lập, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn khỏe, tâm hồn trẻ trung yêu đời, luôn làm nồng cốt trong mọi phong trào, là tấm gương để mọi người rèn luyện.
    Thể dục dưỡng sinh mang tính tập thể cộng đồng.Tuy thuần thục tất cả các bài thể dục nhưng không ai muốn ở nhà tự tập một mình. Chính không gian tập thể là nguồn động viên tinh thần để mỗi người tìm thấy nguồn vui sống trong từng động tác thể dục. Niềm vui tiếng cười, những lời động viên thăm hỏi, những chuyện trò tâm sự san sẻ buồn vui, đã gắn kết chúng tôi thành một tập thể yêu thương như anh em trong một gia đình. Tất cả đều dựa trên nguyên tắc tư giác tự nguyện, không điều lệ tôn chỉ, không trói buộc ai điều gì. Câu lạc bộ đã có truyền thống mười bảy năm như thế./.
                                                                            Phương Danh

Đừng bao giờ từ bỏ người mà bạn yêu thương

Bạn Kim đã gởi một câu chuyện cảm động và ý nghĩa:
Đừng bao giờ từ bỏ những người mà bạn yêu thương
       
      Ở Nhật xảy ra một câu chuyện có thực 100% như thế này: Có một người vì muốn sửa lại nhà nên dỡ tường ra; tường nhà kiểu kiến trúc Nhật thường để một tấm gỗ ở giữa, hai bên  trát xi măng,nhưng thực chất bên trong để  rỗng.
       Khi anh ta dỡ tường ra, phát hiện có một chú thạch sùng đang ngủ ở trong đó, đuôi nó bị đóng vào  tường bởi một chiếc đinh được đóng từ ngoài vào trong. Anh  này thấy tình cảnh đó vừa thấy thương thạch sùng vừa thấy tò  mò, anh ta chăm chú quan sát chiếc  đinh, trời ạ! đây là chiếc đinh được đóng khi xây nhà 10 năm trước.
       Rút cục là có chuyện gì thế  này nhỉ? Chú  thạch sùng này đã mặc kẹt trên tường mà vẫn sống được trọn 10 năm! Sống được 10 năm trong bức tường tối, thật không đơn giản chút  nào. Có gì đó bất thường  thì phải? Anh ta tiếp tục tục nghĩ ngợi, đuôi nó bị đóng chặt, không thể xê dịch được, thế nó đã sống được nhờ vào điều gì mười năm qua? Anh ta quyết định chưa sửa công trình của mình vội, muốn quan sát xem chú thạch  sùng này  đã ăn gì.
        Anh  muốn nghiên cứu tìm hiểu xem sao.
       Một lát sau, không biết từ đầu bò ra một chú thạch sùng khác, miệng nó ngoặm miếng thức ăn… ồ! Anh ta lặng người đi. Thế này là sao nhỉ? Vì một bạn thạch sùng bị đinh đóng vào đuôi không thể đi lại được, một bạn thạch sùng khác đã kiếm tìm thức ăn mớm cho bạn trong suốt mười năm qua. Tôi xúc động vô cùng và thực sự cũng không nghĩ thêm về mối quan hệ của chúng nữa.
       Các bạn ạ, cùng với sự phổ cập của máy tính trong xã hội con người, tốc độ những thông tin mà chúng ta có được từ người thân, bạn hữu, đồng nghiệp, … ngày một nhanh hơn, nhưng khoảng cách giữa con người với con người chúng ta với nhau phải chăng cũng ngày một gần nhau hơn!? …
          Cho nên đừng bao giờ từ bỏ những người mà chúng ta yêu thương nhé!
                                                                 Không rõ tác giả
                                                                 Nguyễn văn Kim

Chuyện cổ tích bằng ngôn ngữ Ballet.


Chuyện cổ tích bằng ngôn ngữ Ballet
Video và bài viết do bạn Phương huynh gởi. 

Cám ơn PhuongHuynh đã gởi một thông điệp ý nghĩa.




  Cách đây 4 năm, tại cuộc thi ballet mang tên Hand in Hand (Tay trong tay) do Đài Truyền hình CCTV của Trung Quốc tổ chức, cặp nghệ sĩ múa Ma Li và Zhai Xiaowei đã thu hút sự chú ý đặc biệt của ban tổ chức cũng như khán giả. Người ta gọi họ là cặp múa “một chân, một tay”, bởi Ma Li bị mất một tay, còn Zhai Xiaowei bị mất một chân. Thật bất ngờ, họ lại là một trong những cặp múa xuất sắc nhất của cuộc thi. Vượt qua gần 7.000 diễn viên múa đến từ khắp nơi trong cả nước, họ đạt được số điểm gần tối đa (99,17 điểm), được trao Huy chương Bạc và nhận được số phiếu bình chọn cao nhất từ phía khán giả, trở thành những nghệ sĩ ấn tượng nhất trong lịch sử của cuộc thi Hand in Hand.

   Hai gương mặt trẻ trung, hai cuộc đời đang ở tuổi thanh xuân của họ dường như đã nhuốm không ít nước mắt và không thiếu những điều để sẻ chia... Năm 1996, khi Ma Li 19 tuổi, cô là một người con gái xinh đẹp và là một tài năng múa ballet đầy triển vọng. Nhưng sau một tai nạn ô tô, Ma Li vĩnh viễn mất đi một cánh tay. Tương lai tươi sáng lùi xa, bạn trai cũng bỏ cô, Ma Li tuyệt vọng tới mức đã tìm đến với cái chết. May mắn thay, bố mẹ cô đã kịp cứu cô và bằng tình yêu thương của mình, họ động viên con gái dần tìm lại sự lạc quan trong cuộc sống. 5 năm sau ngày bị tai nạn, Ma Li vượt qua mặc cảm, lại bắt đầu tập múa ballet. Cô tham gia một cuộc thi nghệ thuật dành cho người khuyết tật và đoạt Huy chương Vàng. Năm 2002, Ma Li tìm được tình yêu đích thực của đời mình với Li Tao, một chàng trai trẻ hoàn toàn bình thường và là người đã giúp đỡ và khích lệ cô rất nhiều trên chặng đường quay trở lại với sân khấu ballet. 

Không giống như Ma Li, Zhai Xiaowei (người cùng múa cặp đôi với cô) bị khuyết tật từ nhỏ. Năm Zhai 4 tuổi, anh trèo lên một chiếc máy kéo, không may bị trượt chân ngã và bị dập nát chân trái. Dù cuộc sống muôn vàn khó khăn, anh vẫn luôn lạc quan và kiên cường trong cuộc sống. Zhai rất yêu thể thao và việc thiếu mất một bên chân không ngăn cản anh tập các môn thể thao như nhảy xa, nhảy cao, đua xe đạp và bơi lội. Anh thuộc nhóm vận động viên được đặt nhiều hy vọng tại các cuộc thi thể thao cấp quốc gia dành cho người khuyết tật.

Ma Li và Zhai Xieowei gặp nhau lần đầu vào năm 2005. Khi được Ma Li mời học ballet, Zhai không biết phải bắt đầu như thế nào. Tuy nhiên, sau khi được Ma Li cho xem băng ghi hình những tiết mục cô biểu diễn với các diễn viên nam, anh đã bắt đầu hiểu ra mình phải làm gì. Suốt hơn một năm trời, Zhai, Ma Li và bạn trai của Mai Li cùng làm việc với nhau trong sự quyết tâm không gì lay chuyển nổi. Hầu như ngày nào cũng vậy, họ bắt đầu tập múa từ 8 giờ sáng cho đến 11 giờ trưa, nhiều khi kết thúc ngày tập luyện sau 8 giờ tối. Rất nhiều lần Zhai làm Ma Li rơi xuống sàn nhà trong khi anh thực hiện động tác nâng cô lên cao. Hiểu nhau như những cặp nghệ sĩ đã gắn bó lâu năm, họ kiên nhẫn tập luyện, từng bước từng bước tiến tới sự thành thạo và điêu luyện...
   Xem Zhai và Ma Li múa, khán giả có cảm giác đang được xem một câu chuyện cổ tích được kể bằng ngôn ngữ ballet. Nếu không tận mắt xem họ biểu diễn, khó ai có thể hình dung nổi làm thế nào mà một nam diễn viên múa chỉ có một chân lại có thể nâng bổng bạn diễn của mình hoặc thực hiện những động tác xoay, ngả người, trượt một cách thuần thục. Cũng ít ai có thể hình dung nổi sự khiếm khuyết về hình thể lại được họ tận dụng như một lợi thế để nêu bật cái hồn và thông điệp của tiết mục biểu diễn một cách thông minh, đầy tính nghệ thuật như thế. Nghệ sĩ múa ballet kiêm biên đạo múa nổi tiếng người Mỹ Agnes De Mille, từng nói: “Múa là vượt lên chính bản thân mình, trở nên trưởng thành hơn, đẹp đẽ hơn, mạnh mẽ hơn”. Ma Li và Zhai đã làm được điều đó. Sau thành công tại cuộc thi Hand in Hand, họ vẫn là một cặp múa được nhiều người biết đến trên sân khấu, vẫn là những người bạn đáng khâm phục ở ngoài đời. Xét về khía cạnh nghệ thuật, cặp nghệ sĩ đặc biệt này đã góp phần mở rộng những giới hạn của nghệ thuật ballet, khẳng định một điều rằng: Không chỉ có đầy đủ chân tay người ta mới có thể múa ballet. Xét về khía cạnh con người nói chung, họ đã tạo nên một câu chuyện cuộc sống đẹp đẽ và đầy thuyết phục, khuyến khích các khán giả của họ, đặc biệt là những người trẻ tuổi, không ngừng khát khao, không ngừng nỗ lực tìm ra con đường đi cho riêng mình bất chấp những khó khăn trở ngại.
                                                 Nguyễn Bích Lan (Theo Chinadaily.com)

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Chùa Hội Khánh


Chùa Hội Khánh, di tích lịch sử - văn hóa.
   Thân tặng chị Chontinhtam.
   
Phat Thich ca.JPG
(Rất tiếc ảnh không rõ do chụp từ khoảng cách rất xa bằng máy ảnh nhỏ.)

2012-01-27 16.09.45.jpg




P1020310n.JPG


2012-01-27 16.11.23.jpg

 Ảnh nghiệp dư Phương Danh chụp ngày mùng 8 - 01AL- 2012.
.   
Các trang web và bài viết về chùa Hội Khánh
  
  Ngôi chùa Hội Khánh tọa lạc dưới chân đồi, cách trung tâm thị xã Thủ Dầu Một 500m về hướng Đông, số 35 đường Bác sĩ Yersin, phường Phú Cường, Thị xã Thủ Dầu Một, là một công trình kiến trúc tôn giáo, nhệ thuật lớn nhất tỉnh, được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia ngày 07/01/1993.
  Chùa xây dựng từ thế kỷ XVIII (1741), 1861 chùa đã bị giặc Pháp thiêu hủy. Đến năm 1868, chùa được xây dựng lại ở vị trí hiện nay với diện tích xây dựng 1.211m2. Năm 2007 chùa xây dựng thêm ngôi tháp 7 tầng cao 27 mét và tái tạo lại Phật tích “Tứ động tâm”, gồm có: Vườn Lâm Tì Ni (nơi Phật ra đời), Bồ Đề Đại Tràng (nơi Phật hành đạo), Vườn Lộc Uyển (nơi Phật thuyết đầu tiên), Ta La Song Thọ (đức Phật nhập niết bàn) có ý nghĩa sâu sắc về đạo pháp.
  Năm 2008, Phật đài quy mô lớn, cao 22m được xây dựng ở khu đất phía trước chùa. Tầng trệt là dãy nhà chiều dài 64m, chiều ngang 23m dùng làm Trường Phật học, Thư viện … Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12m, dài 52m. Đây là một công trình mỹ thuật đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương, được khánh thành trọng thể vào ngày Rằm tháng Hai năm Canh Dần (30-3-2010) mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
  Công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lâu đời
  Tuy đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần nhưng về cơ bản đây là ngôi chùa hiếm hoi vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu. Nét nỗi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm được bảo tồn lưu giữ cho đến nay. Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ Bình Dương

chùa Hội Khánh


Về cấu trúc chùa gồm bốn phần chính: Tiền điện – chánh điện; giảng đường kiến trúc này có 92 cột gỗ quý; Đông lang và Tây lang chùa bố trí theo kiểu “sắp đôi” nối liền nhau với kiến trúc “trùng thềm, trùng lương”. Đây là biến tấu đặc biệt trong kiến trúc theo truyền thống chùa cổ xứ Nam Kỳ. Chánh điện với kèo cột, vách gỗ và ba bộ cửa bức màn, còn có gần 100 tượng gỗ, các vị La Hán và thập điện Minh Vương dáng vẻ khác nhau được tạo bằng gỗ mít sơn son thép vàng. Đặc biệt có hai bức phù điêu chạm hình 18 vị La Hán và các vị bồ tát, tạo nên một công trình điêu khắc tuyệt mỹ, có giá trị nghệ thuật cao mang đặc trưng của phong cách điêu khắc gỗ Bình Dương xưa. Đây là công trình mang dấu ấn những bàn tay tài nghệ độc đáo của lớp thợ xứ Thủ (TDM) ở cuối TK XIX (trong đó phải kể đến các thợ như thợ phèn, đường, Trương Văn Cang, Nguyện Văn Ba, Nguyễn Văn Xù, Sáu Nhồng, Chính Trí…)
   Về phần liễn đối, thơ văn còn lưu giữ phong phú, giá trị khó có ngôi chùa nào sánh kịp. Nơi chánh điện có những câu liễn đối tiêu biểu cho đạo vị thiền học được nhiều người nhắc đến:
“Nhược thực nhược hư trúc ảnh tảo giai trần bất động
thị không thị sắc nguyệt xuyên hải để thuỷ vô ngân”
(Như thực như hư, bóng trúc quét thềm, bụi trần chẳng động.
Là không là sắc, ánh trăng xoáy biển, nước biển không nhồi)
   Ngoài ra, nhiều người cũng nhắc đến câu đối của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn lưu ở chùa Hội Khánh, với ý nghĩa ngôn từ hàm súc của thiền học: “Đại đạo quảng khai thố giác khuê đàm để nguyệt. Thiền môn giáo dưỡng, qui mao thằn thụ đầu phong” (Tạm dịch: mở rộng đạo lớn như sừng thỏ như mò trăng đáy nước. Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa như cột gió đầu cây).
  Về phần nghệ thuật trang trí nội thất, tranh tượng tự khí thờ phượng được điêu khắc, chạm trổ rất công phu, sắc sảo… đặc biệt phải kể đến bộ bao lam “thập bát La Hán” (tạo tác 1921), bức phù điêu “tứ thời” ốp vào hai cột trước chánh điện; các bàn thờ chạm trổ tinh vi hoàn thành vào năm Ất Sửu (1925). Nhà chùa còn giữ được bộ mộc bản in kinh cách đây trên 120 năm
  Đại hồng chung của chùa được đúc vào năm Quí Mùi (1883) do Bổn đạo Dương Văn Lúa hiến cúng. Điều đó cho thấy đạo phật đã phát triển khá sớm và khá vững mạnh tại địa phương này.

 Phật đài mới xây và Tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn lớn nhất Việt Nam
  Sự gắn bó giữa đao Pháp và dân tộc
Từ khi thành lập đến nay chùa đã trải qua 10 vị trụ trì (9 vị đã viên tịch) trong đó không ít vị cao tăng, đạo đức tài năng nổi danh cả Nam Bộ.
Trong những năm 1923 -1926, chùa Hội Khánh Thủ Dầu Một còn là nơi ẩn náu qui tụ các nhân sĩ: nhà nho, nhà sư yêu nước cùng lập ra “Hội danh dự” với sự tham gia của chính hoà thượng Từ Văn, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Thân phụ của bác Hồ), cụ Tú Cúc… mục đích của Hội là cổ vũ cho lối sống đề cao đạo đức, coi trọng danh dự và lòng yêu quý đồng bào đất nước. Dù Hội chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng đã gây dược ảnh hưởng đáng kể.
    Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Hội Khánh là trụ sở Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một, đã góp nhiều công sức tâm huyết kể cả xương máu của các nhà tu, Phật tử nhà chùa. Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân địa phương từ 1953, chùa là trụ sở Phật giáo yêu nước tỉnh Bình Dương và đến 1983 chùa Hội Khánh là trụ sở của tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương. Năm 1995, nơi đây Tỉnh hội xây dựng Trường cơ bản Phật học tỉnh Sông Bé (Bình Dương). Hiện thượng tọa Thích Huệ Thông trụ trì chùa Hội Khánh (từ 1988) và là phó ban thường trực tỉnh Hội Pháp giáo Bình Dương./.

    Hình ảnh chùa Hội Khánh (click vào phía dưới)
                                     Phương Danh

Cuộc đời Đức Phật


Mời xem phim:
Cuộc đời đức Phật
Life of Buddha
from BBC
 Phim dài khoảng 20 phút, có phụ đề tiếngViệt.

Cám ơn bạn Quí đã gởi tập tin quí này.
                  Phương Danh

Tiển đưa


Tiễn đưa
                                                  nhạc sĩ Lê Đức Long
*  Cảm ơn bạn Quan Nguyên đã gởi.
Xin click vào ảnh để mở.
*** Mong được đón nhận những bài hát quí bạn yêu thích ở phần comment. Xin cảm ơn.
                 Phương Danh

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Nhạc Cung Tiến


Hương xưa
                                                             NS. Cung Tiến
                                                             ca sĩ Hà Thanh
                                   Cám ơn bạn Phan Tuấn Đạo gởi tặng.





Hoài cảm
               NS. Cung Tiến
                   Ca sĩ Thái Thanh



Thu vàng
                         NS. Cung Tiến
                            ca sĩ. Hồng Nhung


                                  Phương Danh






Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Tiễn em

         Tiễn em
                          nhớ Giàu
   Tiễn em đến nghĩa trang
   Trời sáng nay rất lặng
   Ta không buồn chuyện vãn
   Ngậm ngùi trẻ mặc áo tang.
   Chầm chậm hạ cỗ quan
   đưa em về lòng đất
   Thôi em hãy yên giấc
   Dương gian và âm cảnh
   Cách nhau... một phận người./.
                     Phương Danh

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Bút cạn


            Bút cạn
         Ngồi cắn bút làm thơ
         Máu tuôn trào giọt mực
         Ngôn từ sao bất lực
         Nỗi lòng ta vô bờ./.
                        Phương Danh

Ngón tay hoa

                                 Ngón Tay hoa
  Đồng cảm bài viết "Đôi mắt", Phuong Huynh, một người bạn, đã sưu tầm bài thơ "Ngón tay hoa" của Trụ Vũ gởi tặng.
    Có sự khác biệt nhỏ giữa hai phiên bản ở bốn câu thơ về đôi mắt. Bài viết  tôi lấy tư liệu từ “Những nguồn cảm hứng trong văn học”, tập Tiểu luận – phê bình của Huỳnh Như Phương, dùng từ Bởi vì mắt ngó trời xanh" còn bài thơ bạn Phuong Huynh gởi lại dùng từ "Cũng vì mắt ngó trời xanh". Vì không có bản gốc nên tôi chưa biết bản nào đúng.
Thể hiện sự trân trọng tác giả - tác phẩm và người tặng, xin đăng bài thơ này ở một entry riêng. Vẫn giữ nguyên font và màu chữ bài thơ Phuong Huynh viết.             
              Cảm ơn  Phuong Huynh nhiều.
                                                                                   
       Ngón tay hoa
     Sáng hôm nay Phật lại về,
     Như từng buổi sáng Bồ Đề tung tăng.
     Đêm nào đêm chẳng sáng trăng,
     Ngày nào ngày chẳng ngày rằm tháng tư.
     Phật về trên lá phương thư,
     Trên hoa thông điệp thắm như quê mình. 
     Phật ơi, sao Phật mà xinh, 
     Bé ơi, sao bé đẹp tình nhân gian.
     Bé từ trong trái tim ngoan
     Phật từ trong cõi nhân hoàn thiết tha. 
     Phật về, Phật hẹn cùng ta, 
     Rằng ai, ai nữa cũng là Như Như.
     Sáng nay gió thật hiền từ, 
     Sáng nay mây trắng nõn ru nôi hồng. 
     Bé về, cho Phật tròn bông, 
     Phật về, cho bé rạng hồng hài nhi.
     Cả và vũ trụ Tam quy, 
     Quy thơ, quy nhạc, quy y chính mình. 
     Nghe mười phương pháp Hoa Kinh, 
     Nõn nà như hạt sương trinh trên cành.
    Cũng vì mắt ngó trời xanh, 
    Cho nên mắt cũng long lanh màu trời.
    Cũng vì mắt ngó biển khơi, 
    Cho nên mắt cũng xa vời đại dương.
    Cũng vì em mến em thương 
    Cho nên vũ trụ mà hương, mà trầm. 
    Như hoa Linh Thoại ngàn năm, 
    Sáng nay thanh tịnh về cầm, kỳ, thi.
    Tuyệt vời bảy bước chân đi, 
    Em đi như thế khác chi nụ cười. 
    Nụ cười an lạc, tâm ơi, 
    Mẹ nghe ấm cả đất trời qua em.
    Tuyệt vời bảy bước hoa sen, 
    Trang nghiêm cho cõi bùn đen nhiệm mầu. 
    Giữa lòng biển lệ thiên thâu,  
    Chợt nghe lóng lánh xưa sau nụ cười.       
    Sáng nay Phật lại vào đời, 
   Ngón tay hoa, trỏ cho mười phương trăng./.    
                            Trụ Vũ

* Chị Chontinhtam góp thêm một slide show đọc thơ "Ngón tay hoa" do chính chị thể hiện:

Cảm ơn chị Chontinhtam.  
 Phương Danh


Nhớ nội


           Nhớ nội
       Đêm đêm trăng sáng vườn của nội,
     Gió lá đong đưa ngỡ tiếng người.
     Chuối còn trổ nhụy cau còn trái,
     Bóng hạc ngàn mây khuất mãi rồi.
            
     Nhớ những trưa hè giấc ngủ trưa,
     Thân gầy lụm cụm tiếng gậy khua.
     Nội đến bên con tay sờ trán,
     Thương trông mắt ấm dấu già nua./
                                Phương Danh

Đôi mắt


Đôi mắt (*)
 
Bởi vì mắt ngó trời xanh,
Cho nên mắt cũng long lanh màu trời.
Bởi vì mắt ngó biển khơi,
Cho nên mắt cũng xa vời đại dương.
                         Trụ Vũ
      
   Tôi biết những câu thơ trên đã hơn 30 năm khi đọc “Nẻo về của Ý”của thiền sư Nhất Hạnh. Lúc ấy tôi bị cuốn theo tư tưởng cao cả của thiền sư về vô minh, về một nền Đạo pháp nhập thế dấn thân phụng sự. Tôi say đắm những áng văn tuyệt mỹ lung linh ánh trăng thiền trong “Nẻo về của Ý”, nên bốn câu thơ trên chưa gợi cảm xúc nhiều trong tôi, có thể ví như một đóa hoa còn lẩn khuất trong tàn đại thụ.
     Rồi duyên thơ đến, tôi đã nhận ra sắc thắm của đóa hoa trường tồn ấy khi đọc “Những nguồn cảm hứng trong văn học”, tập Tiểu luận – phê bình của Huỳnh Như Phương, tình cờ tôi mua khi thăm Hội sách TP/ HCM lần thứ IV 2010. Tác giả phân tích  tư tưởng nghệ thuật thể hiện trong thơ Trụ Vũ ở bài viết đầu tiên “Theo những bước trầm hương”, trong đó bốn câu thơ xuất hiện ngay đầu trang trong mạch cảm xúc của tác giả. Câu thơ toát lên vẻ lóng lánh như ngọc. Bất chợt tôi nhớ đến hình ảnh thật ấn tượng trên một trang blog, dáng người ngồi cúi mặt trên ghềnh đá cheo leo giữa biển trời mênh mông. Bốn câu thơ  nói về đôi mắt, đôi mắt ngước nhìn trời xanh biển cả phát hiện bao nhiêu điều kỳ diệu, đối nghịch hẳn với hình ảnh cúi mặt cô đơn trong nền xanh lạnh ngắt ấy. Lòng dâng lên cảm xúc vô bờ, tôi ngồi vào bàn vi tính gõ phím giữa khuya và hoàn thành bài viết ngay trong đêm. Một kỷ lục, thường tôi viết một bài phải mất thời gian thật lâu.
     “Những nguồn cảm hứng trong văn học” giúp tôi thấy được vẻ đẹp từ câu thơ lục bát trên, nhưng cảm nhận của tôi có khác với thiền sư Nhất Hạnh một nhà hiền triết và Huỳnh Như Phương một nhà phê bình văn học. Thầy Nhất Hạnh phát hiện trong thơ bàng bạc triết lý đạo Thiền, cái nhìn thấu thị về mối tương giao giữa con người và vũ trụ. Huỳnh Như Phương một học giả, soi sáng thơ với phương pháp luận mỹ học. Riêng tôi cảm nhận bốn câu thơ từ cảm xúc của một con người bình thường với những buồn vui nhân thế, hạnh phúc và đau khổ, từng khát vọng rồi tuyệt vọng, đôi lúc cô đơn cùng cực. Tôi đón nhận bằng trực giác chủ quan, nghĩ sao viết vậy. 
                               
                Bởi vì mắt ngó trời xanh 
Cho nên mắt cũng long lanh màu trời.
                    Bởi vì mắt ngó biển khơi,
Cho nên mắt cũng xa vời đại dương.
    
Bốn câu thơ thể hiện sắc thái cảm xúc giao hòa đồng cảm giữa con người và vũ trụ: nhìn trời xanh mắt long lanh màu trời, nhìn biển khơi mắt xa vời đại dương. Tứ thơ dàn trải mênh mông, du dương giai điệu an hòa đằm thắm.
Có lẽ nhà thơ Trụ Vũ là người chiêm nghiệm nhiều về con người, về đôi mắt, về mối tương giao thẩm mỹ giữa con người với tạo vật, giữa nội tâm và ngoại cảnh. Là người thấu hiểu đôi mắt cửa sổ tâm hồn, qua đôi mắt con người phát hiện thế giới xung quanh, nhìn vào vũ trụ bao la nhận ra biết bao điều kỳ diệu. Ông chắc cũng ít nhất một lần xúc động ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của đôi mắt, mới ghi lại được bốn câu thơ tuyệt diệu như thế, bình dị nhưng thật khái quát, cảm xúc.
   Tôi như nghe tiếng thơ ngân nhẹ nhàng dịu êm và gợi một khung cảnh nên thơ. Hình ảnh một người con gái đang đứng trên ghềnh đá cao giũa trời đất bao la, xa xa là biển cả. Em ngước nhìn trời trong xanh không một gợn mây như muốn thu vào tầm mắt những kỳ diệu của vũ trụ, mắt tròn xoe, long lanh .
Bởi vì mắt ngó trời xanh,
Cho nên mắt cũng long lanh màu trời.
        
Đôi lúc em phóng tầm mắt nhìn ra biển khơi. Biển thì muôn trùng với những đợt sóng nhấp nhô. Biển đang thì thầm và em đang lắng nghe, lòng em rộn lên bao khát vọng .

Bởi vì mắt ngó biển khơi,
Cho nên mắt cũng xa vời đại dương.

       Điều lạ kỳ là tôi không thấy em nhỏ nhoi giữa trời biển mênh mông ấy. Nơi em toát lên một vẻ đẹp khôn tả. Ghềnh đá nâng em nổi bậc giũa trời xanh.Trời xanh - biển cả - và em, tạo nên một bức tranh sống động, hài hòa, kỳ vĩ.
     Và tôi nghe tiếng em hát.Tiếng hát xuất thần, thật cô đơn, đôi lúc đau đớn, nhưng trong tiếng hát ấy vẫn vang lên giai điệu yêu đời thiết tha. Em hát như giải bày với trời xanh và biển cả. Đáp lại là tiếng gió vi vu và sóng rì rào như vỗ về an ủi. Cuối cùng tôi như nghe một bản hợp xướng hùng tráng, em cất cao tiếng hát với niềm tin hy vọng.
     Phải em thể hiện khát vọng của con người luôn vươn lên, luôn nhìn xa bay cao với sự thấu cảm. Dù con người phải đối diện với những trầm luân, phong ba bão táp, nhưng con người vẫn dũng cảm và mạnh mẽ.
Bởi vì mắt ngó trời xanh,
Cho nên mắt cũng long lanh màu trời.
Bởi vì mắt ngó biển khơi, 
Cho nên mắt cũng xa vời đại dương.
                    Phương Danh

(*): Đôi mắt” là tiêu đề bài viết. Bốn câu thơ trên trích từ bài thơ “ Ngón tay hoa” của Trụ Vũ ( nguồn: “ Những nguồn cảm hứng trong văn học”. Huỳnh Như Phương). Nhưng thật tiếc tôi đã nhiều lần tìm bài thơ ấy trên internet nhưng không thấy. Quí bạn nào có bài thơ “ Ngón tay hoa” hay biết xuất xứ bốn câu thơ trên cho tôi xin. Cảm ơn.